MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần Thơ “chưa quyết” thu hồi dự án lọc dầu 538 triệu USD

Do chưa triển khai thực hiện dự án có vốn đầu tư lên đến 538 triệu USD làm kéo giảm tỷ lệ vốn FDI thực hiện trên địa bàn TP.Cần Thơ đến nay chỉ đạt 32,1%, nhưng Dự án Nhà máy lọc dầu Cần Thơ vẫn chưa có quyết định thu hồi.

Cần Thơ là địa phương thu hút vốn FDI đứng thứ hai trong vùng ĐBSCL (chỉ sau tỉnh Long An); 7 tháng đầu năm nay TP.Cần Thơ cấp giấy chứng nhận đầu tư 04 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 15,1 triệu USD, điều chỉnh 04 dự án tăng vốn đầu tư 38,6 triệu USD. Tính chung đến tháng 7/2015, Cần Thơ có 65 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 952,5 triệu USD, vốn thực hiện 305,8 triệu USD (trong đó vốn thực hiện 7 tháng/2015 là 22,9 triệu USD), chiếm 32,1% tổng vốn đăng ký.

Theo Sở KH&ĐT thành phố Cần Thơ, vốn FDI thực hiện so với tổng vốn đăng ký đạt thấp do ảnh hưởng bởi dự án nhà máy lọc dầu Cần Thơ vốn đăng ký 538 triệu USD vẫn bất động. Trước đó vào đầu năm 2015 Sở này đã tiến hành hoàn tất các thủ tục để trình UBND thành phố ra quyết định thu hồi. Nhưng trả lời báo chí trong phiên họp thường kỳ tháng 7 vào chiều 5/8, bà Bủi Ngọc Vỵ, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Cần Thơ cho biết dự án chưa có quyết định thu hồi của UBND thành phố, do chủ đầu tư đang cố tìm đối tác để chuyển giao dự án.

Dự án Nhà máy lọc dầu Cần Thơ do Công ty TNHH Nhà máy lọc dầu Cần Thơ làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Nhà máy lọc dầu Cần Thơ này được thành lập trên cơ sở liên doanh CTCP Đầu tư Thương mại Viễn Đông (Việt Nam) góp 30% vốn và Công ty Semtech Limited B.V.I (Mỹ) góp 70% vốn, được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 19.5.2008. Nhà máy được xây dựng tại khu công nghiệp Ô Môn, quận Ô Môn, có công suất 2 triệu tấn/năm. Tổng vốn đầu tư dự án này là 538 triệu USD và được sử dụng đất 250 ha.

Đây là dự án FDI có vốn đầu tư lớn nhất trong các dự án FDI đầu tư vào Cần Thơ từ trước đến nay, và chiếm đến 80% so với tổng nguồn vốn FDI đăng ký đầu tư vào Cần Thơ tại thời điểm 2008. Dự kiến dự án sẽ đi vào hoạt động sau 24 tháng thi công và vận hành thử. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, nhà máy vẫn chưa được khởi công.

Theo Sở KH&ĐT Cần Thơ, từ khi được cấp chứng nhận đầu tư đến nay, chủ đầu tư dự án này đã 3 lần xin thay đổi đối tác liên doanh. Đồng thời, diện tích thuê đất giảm từ 250 ha xuống còn 50ha, nhưng công suất vẫn giữ nguyên 2 triệu tấn/năm. Xong mọi việc của dự án vẫn chỉ “nằm trên giấy” chờ ngày chuyển giao cho đối tác khác.

 

Theo TRƯỜNG CA

Bizlive

Trở lên trên