Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng: Phí cao nhất là 180.000 đồng/xe
Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI)-chủ đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng vừa có Tờ trình đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận thông xe, khai thác tạm và thu phí đoạn tuyến qua thành phố Hải Phòng.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc VIDIFI cho biết, đoạn tuyến Km74+000 đến Km96+000 qua thành phố Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến, đoạn tuyến đươc đưa khai thác từ ngày 19/5 tới đây sẽ thu phí theo lượt, tính theo số kilomet thực tế mà xe lưu thông.
Trong giai đoạn khai thác tạm các đoạn tuyến của đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (năm 2015), để khuyến khích phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến này, VIDIFI đề xuất áp dụng mức thu phí là 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn, tương tự với mức phí đang thu trên cao tốc Nội Bài- Lào Cai, Bến Lức-Long Thành và Cầu Giẽ-Ninh Bình (đoạn 4 làn xe).
Cụ thể, phái VIDIFI đưa ra biểu giá mức thu phí để lưu thông 22,7km cao tốc này thấp nhất là 35.000 đồng/xe đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng và cao nhất đối với xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng cotainer bằng 40 fit là 180.000 đồng/xe.
“Việc đưa vào khai thác từng đoạn tuyến sẽ sớm phát huy được hiệu quả cả về mặt xã hội-kinh tế, đồng thời góp phần điều tiết, giảm áp lực về phương tiện trên Quốc lộ 5, Quốc lộ 10… Đặc biệt, việc tổ chức thu phí một số đoạn tuyến đã hoàn thành sẽ giúp sớm thu hồi vốn đầu tư đường cao tốc,” ông Tỉnh cho hay.
Giai đoạn 2, đoạn từ nút giao Quốc lộ 39 trên địa phận Hưng Yên đến nút giao tỉnh lộ 353 thuộc địa phận Hải Phòng dài 76,4km sẽ được khai thác từ tháng 8/2015 với hình thức thu phí kín. Đến ngày 31/12/2015 sẽ vận hành, khai thác, thu phí toàn dự án.
Năm 2016, theo phương án tài chính của dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, mức thu phí là 2.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn.
"Từ năm 2016, VIDIFI sẽ áp dụng mức thu theo phương án tài chính được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt," lãnh đạo VIDIFI nói.
Theo phương án phê duyệt ban đầu, để thu hồi vốn, ngoài thu phí đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ cho phép nhà đầu tư được đầu tư xây dựng hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp, các khu dịch vụ, hậu cần phục vụ dọc tuyến đường cao tốc và thu phí Quốc lộ 5 từ khi Bộ Giao thông Vận tải bàn giao đến hết thời gian BOT là khoảng 35 năm./.
Dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng khởi công từ tháng 5/2008 và hoàn thành vào năm 2011 với tổng chiều dài là 105,5km, quy mô 6 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế là 120km/giờ. Bề rộng nền đường 33m, 54 cầu lớn nhỏ, 108 cống chui dân sinh, 9 nút giao liên thông khác mức.
Tuyến đường đi qua 4 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Điểm đầu nằm trên đường vành đai 3 của thành phố Hà Nội, cách mố Bắc cầu Thanh Trì hơn 1km, cách đê sông Hồng hơn 1,4km về phía Bắc Ninh, thuộc địa phận thông Thượng Hội, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội. Điểm cuối ở Đình Vũ, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
Tổng mức đầu tư tuyến cao tốc này là 45.487 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB). Số vốn ban đầu được dự toán vào mức xấp xỷ 25.000 tỷ đồng.
>>>Thu phí sử dụng đường bộ tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ từ ngày 23/5/2015
Theo Việt Hùng
VIETNAM+