MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chi phí logistics ở Việt Nam cao gấp 2 - 3 lần thế giới

Chi phí logistics so với GDP của Mỹ chiếm khoảng 9%, châu Âu là khoảng 13%, Mexico là 14% và mức trung bình của thế giới là 15%. Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam chiếm tới 25%,

Tại Hội thảo “Nâng cao khả năng tiếp cận các thị trường khu vực và toàn cầu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)” diễn ra sáng nay (ngày 17/9/2015), ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam(VCCI) đã dẫn báo cáo Triển vọng phát triển châu Á của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) để chỉ ra rằng: Hiện nay Việt Nam mới chỉ có 36% DN tham gia vào mạng lưới sản xuất định hướng xuất khẩu, thì Malaysia và Thái Lan là gần 60%.

Mới chỉ 21% SME tham gia chuỗi cung ứng

Bên cạnh đó, chỉ có 21% SME của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu so với 30% của Thái Lan, 46% của Malaysia. Phần nhiều mới chỉ tham gia ở khâu thấp nhất trong chuỗi cung ứng là lắp ráp và gia công, cung cấp các phụ tùng thay thế, chứ chưa tham gia sản xuất các sản phẩm chính.

Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cũng cho rằng việc tham gia vào thị trường toàn cầu và khu vực đang đặt ra nhiều thách thức cho DN đổi mới và tăng sức cạnh tranh, có như vậy DN mới có thể tồn tại trên thị trường.

Bên cạnh việc đáp ứng yêu cầu quy tắc xuất xứ hàng hóa, bà Dung cũng nhình nhận làm thế nào để giảm thiểu chi phí cho DN, nâng cao sức cạnh tranh khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là rất cần thiết.

Theo ông Nguyễn Bình, Quản lý cấp cao FedEx Đông Dương và Myanmar, Việt Nam đang tham gia sâu rộng chuỗi cung ứng toàn cầu và điều này giúp cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng.

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng chuỗi cung ứng của DN Việt Nam cần phải cố gắng cải thiện hơn nữa để DN Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao cơ hội và khả năng cạnh tranh cho các DN nhỏ và vừa.

Chi phí logistics đang làm cho DN kém khả năng cạnh tranh

So sánh về chi phí kho vận (logistics) so với GDP của nhiều nước, ông Bình cho biết Mỹ chiếm khoảng 9%, châu Âu là khoảng 13%, Mexico là 14% và mức trung bình của thế giới là 15%. Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam chiếm tới 25%, đây là con số rất cao khiến cho DN chưa thể tận dụng được cơ hội, nâng sức cạnh tranh.

“Với nhiều hiệp định thương mại sắp tới Việt Nam đang tham gia đàm phán và ký kết, để gia tăng về kim kim ngạch thương mại đáng kể, thì cần phải cân nhắc giảm chi phí kho vận”, ông Bình khuyến nghị.

Theo đó, để tận dụng hiệu quả được cơ hội thị trường khi hội nhập và giảm chi phí logistics, lãnh đạo cấp cao của FedEx đưa ra ba khuyến nghị mà DN cần phải nỗ lực.

Thứ nhất, DN cần phải có những người tài, có kiến thức về hội nhập, thị trường. Theo ông Bình, những người giỏi là những người biết cách làm thế nào để nắm bắt được cơ hội, hiểu biết về quá trình mua và sản xuất nguyên liệu đầu vào.

“Đó là những người hiểu biết và nghiên cứu từng khâu trong mối quan hệ với toàn chuỗi cung ứng. Phân tích được nguồn cung hàng hóa, đầu mối vận chuyển sẽ mang lại hiệu quả cho DN như thế nào? Do đó, vấn đề đầu tư vòa nguồn lực con người, đào tạo nhân sự có ý nghĩa quan trọng” – Ông Bình khuyến nghị.

Thứ hai, DN cần nhận thức và phân tích được các điểm yếu của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu là gì? Trong đó, các yếu tố cần lưu ý là nguồn nguyên liệu đầu vào, nhà vận chuyển và giao hàng, nhà cung ứng…

Thứ ba, linh hoạt để tìm ra cách thức nâng cao năng suất sản xuất của DN trong toàn chuỗi thị trường. Theo ông Bình, DN cần phải dựa trên sản lượng bán hàng ra thị trường để điều chỉnh nhằm đưa ra mức giá hấp dẫn nhất cho khách hàng.

Về lâu dài, DN cần nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất và hiệu quả sản xuất. Điều này nhằm làm giảm thiểu tối đa chi phí để sản phẩm có tính cạnh tranh hơn thị trường.

Còn theo quan điểm của bà Dung, bên cạnh việc giảm chi phí logistics, việc tăng cường hợp tác, liên kết lại để tạo ra chuỗi sản xuất giữa các DN rất cần thiết.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên