MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Chính thức thoát đáy” hay “hồi phục mong manh”?

Nếu tổng cầu tiếp tục được cải thiện, xuất nhập khẩu tiếp tục tăng…. thì dư địa để GDP nửa cuối năm đạt 6,25% là hoàn toàn khả thi.

Tại buổi họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2014, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế -xã hội trong 6 tháng qua đã diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp cả về kinh tế và chính trị. Trong nước, sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với những khó khăn, áp lực, như sức mua trên thị trường thấp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, sức ép nợ xấu còn nặng nề, hàng hóa trong nước tiêu thụ chậm...

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng từ kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2012, 2013 và dự kiến 2014 cho thấy, các chỉ tiêu cơ bản (lao động, vốn, doanh thu, xuất khẩu, lợi nhuận và các điều kiện khác của kinh tế vĩ mô) theo đánh giá của doanh nghiệp, tốt dần lên.

Doanh nghiệp lạc quan

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, về lao động, có 51,5% số doanh nghiệp dự kiến giữ nguyên quy mô lao động như năm 2013; có 38,5% số doanh nghiệp dự kiến tăng quy mô và chỉ có 10% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô.

Về sử dụng vốn, có 60,8% số doanh nghiệp dự kiến năm 2014 vẫn giữ nguyên quy mô vốn như năm 2013, có 33% số doanh nghiệp dự kiến tăng quy mô và chỉ có 6,2% số doanh nghiệp dự kiến giảm. Về doanh thu, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến tăng doanh thu năm 2014 so với năm 2013 đã đạt mức cao với 71,6%, chỉ có 14,7% doanh nghiệp dự kiến giữ nguyên quy mô và 13,7% doanh nghiệp dự kiến giảm.

Về lợi nhuận trước thuế, có 75,1% số doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2014 cao hơn năm 2013, chỉ có 5,8% số doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận 2014 bằng 2013 và 19,1% doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận giảm.
Về xuất khẩu, có 34,1% số doanh nghiệp dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2014 cao hơn 2013; có 60,6% số doanh nghiệp dự kiến bằng năm 2013 và 5,3% số doanh nghiệp dự kiến thấp hơn.

Còn theo bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2014 ước tính tăng 5,18% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó quý I tăng 5,09%; quý II tăng 5,25%. Trong mức tăng 5,18% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,96%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,33%, đóng góp 2,06 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,01%, đóng góp 2,57 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 17,69%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,70%; khu vực dịch vụ chiếm 43,61% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2013 là: 18,18%; 38,70%; 43,12%).

Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước tính tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7%), trong đó kinh doanh bán lẻ hàng hóa tăng 12,2%; dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 13,1%; dịch vụ khác tăng 22,2%; du lịch lữ hành tăng 20,5%.

Vẫn theo ông Thúy, từ 1/1/2013 đến 1/3/2014, có 5,6% số doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất kinh doanh, trong khi tỷ lệ này cùng thời điểm năm 2012 là 8,4%. Điều này phản ánh các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước ổn định sản xuất và bớt khó khăn hơn những năm trước. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều lạc quan về triển vọng phục hồi và phát triển nhanh hơn trong năm 2014.

Theo dự báo của cộng đồng doanh nghiệp, năm 2014, khu vực doanh nghiệp đã thoát đáy và có mức kỳ vọng tăng trưởng khả quan và rõ nét hơn so với năm 2013 và 2012.

Có nằm trong “tầm tay”?

Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6/2014 tăng 0,3% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,74%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,61%; hàng thực phẩm tăng 0,54%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,30%.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng dưới mức tăng chung hoặc giảm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2014 tăng 1,38% so với tháng 12/2013 và tăng 4,98% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 4,77% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, lạm phát năm 2013 vừa qua giảm sâu và ổn định ở mức 6,04% trong điều kiện chính sách tiền tệ có xu hướng nới lỏng chứng tỏ tổng cầu của nền kinh tế suy giảm và phản ứng yếu ớt đối với các chính sách mở rộng. Lạm phát giảm sâu chủ yếu do chi tiêu tư nhân giảm sút, trong khi các doanh nghiệp không có động lực đầu tư do thị trường đầu ra còn nhiều khó khăn.

Kết luận này không khác mấy so với nhận xét của VCCI vừa đưa ra trong thời gian gần đây: 50% doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2014 là do thiếu đầu ra.

Tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2014, Ts. Trần Du Lịch đã từng đưa ra cảnh báo “nếu CPI 2014 chỉ dừng lại ở con số 5% thì đó là điều thất bại chứ không phải là thành tích”. CPI cao, thực tế không đáng lo bằng dấu hiệu của việc tổng cầu suy giảm nghiêm trọng.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng thẳng thắn: “Chúng ta không nên ảo tưởng về những con số thống kê, về những thành tích chúng ta đã đạt được. Việc hồi phục kinh tế nước ta là rất mong manh, khi thực tế đang dựa trên lĩnh vực dịch vụ và xuất khẩu.”

Trái với lo ngại của các chuyên gia, ông Nguyễn Bích Lâm lại nhấn mạnh: “lạm phát tăng thấp không phải là điều lo lắng, ngược lại đây là tín hiệu mừng”. Những tháng cuối năm thông thường CPI tăng mạnh, nhưng với bối cảnh chung hiện nay, lạm phát năm 2014 sẽ chỉ trên 5%. Và ông đánh giá, dù còn nhiều thách thức song nền kinh tế Việt Nam đã “chính thức thoát đáy”.

Lo lắng với mức tăng trưởng GDP khá thấp trong nửa đầu năm 2014, mục tiêu GDP đạt 5,8% trong năm 2014 khó đạt được, lãnh đạo Tổng cục Thống kê trấn an, nếu tổng cầu tiếp tục được cải thiện, xuất nhập khẩu tiếp tục tăng…. thì dư địa để GDP nửa cuối năm đạt 6,25% là hoàn toàn khả thi. Vì thế, mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 5,8% cả năm 2014 nằm trong tầm tay.

>> Kinh tế 6 tháng nhìn từ cân đối lớn

Theo Việt Nguyễn

thunm

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên