MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch Quốc hội: “Lúc này không tăng thuế được đâu”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cần rà soát để đảm bảo nguồn thu hợp lý chứ đừng đi theo hướng tăng thuế.

Báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015 của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội do Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển trình bày tại phiên họp 46 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 7/3 đánh giá, thu NSNN đã giảm bớt yếu tố phụ thuộc bên ngoài, tỷ trọng thu nội địa có xu hướng tăng ổn định (năm 2015, thu nội địa đạt khoảng 74,2% tổng thu NSNN).

Tuy vậy tỷ lệ huy động vào NSNN từ GDP trong những năm gần đây có xu hướng giảm nhanh so với giai đoạn trước, do vậy, cần lưu ý để có biện pháp kịp thời, giữ mức thu ổn định để bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước trong 5 năm tiếp theo.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, với thực trạng tốc độ tăng chi cao hơn tốc độ tăng thu, dẫn đến bội chi NSNN vẫn ở mức cao, cân đối NSNN ngày càng khó khăn là tất yếu.

Thực tế trong cân đối NSNN đã phát sinh nhiều khó khăn về huy động vốn, nhất là vốn TPCP dài hạn, đòi hỏi Chính phủ phải có chiến lược dài hạn trong việc huy động, quản lý, sử dụng và kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ nhằm tạo điều kiện và dư địa thuận lợi, giảm áp lực cạnh tranh về nguồn lực, lãi suất cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế có khả năng tiếp cận với tín dụng, vốn cổ phần để phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.

Trình bày Báo cáo về kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, về các giải pháp điều chỉnh chính sách thu NSNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thuế giá trị gia tăng sửa đổi bổ sung theo hướng giảm bớt số lượng nhóm hàng hoá dịch vụ không chịu thuế, nhóm chịu thuế suất 5%; nghiên cứu sửa đổi mức thuế suất phổ thông, hoàn thiện phương pháp khấu trừ thuế, hoàn thuế để xác định đúng cơ chế thu phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần tăng thu NSNN.

Với thuế tiêu thụ đặc biệt, nghiên cứu sửa đổi bổ sung đối tượng chịu thuế, mức thuế suất để hướng dẫn tiêu dùng phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, thông lệ quốc tế, góp phần thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Với thuế suất nhập khẩu sẽ nghiên cứu sửa đổi theo hướng bảo hộ hợp lý, thúc đẩy giá trị gia tăng hàng hoá, dịch vụ trong nước phù hợp với cam kết hội nhập quốc tế; bổ sung theo hướng đơn giản hoá cho người nộp thuế, góp phần cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Với thuế thu nhập doanh nghiệp thì nghiên cứu chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút vốn đầu tư vào nhiều lĩnh vực, ngành địa bàn ưu tiên; đồng thời tăng tính công khai minh bạch, đảm bảo thu ngân sách

Bên cạnh đó cũng nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh về thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài sản.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, các báo cáo cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi trình Quốc hội, nhất là báo cáo kinh tế xã hội (trong đó có tài chính và ngân sách) phải thể hiện rõ bội chi, trái phiếu Chính phủ, mục tiêu tổng quát và cụ thể, chỉ tiêu cơ bản và phương hướng giải pháp.

Trước ý kiến cho rằng bội chi khó giảm thì cân nhắc điều chỉnh thuế, Chủ tịch Quốc hội nói: “Giờ điều chỉnh tăng thuế thì chỉ thuế tiêu thụ đặc biệt thôi, còn thuế giá trị gia tăng trong 5 tới có điều chỉnh cũng lấy ở mức trung bình để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con người ta làm ăn; với thuế thu nhập thì luật có rồi. Rà thế nào đó để đảm bảo nguồn thu hợp lý chứ đừng đi theo hướng tăng thuế. Đất nước lúc này không tăng thuế được đâu”./.

Theo Ngọc Thành

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên