MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ chế “người đại diện phần vốn Nhà nước” ở một số nước

Tại Pháp, tất cả các khoản tiền chi trả cho người đại diện trong nhiệm kỳ làm việc được trích từ ngân sách Nhà nước.

Ở các nước có phần vốn Nhà nước đầu tư vào DN đều có cơ chế cử người đại diện phần vốn Nhà nước trong các DN, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc thông qua một cơ quan quản lý, giám sát vốn Nhà nước đầu tư tại DN.

Đồng thời, tạimột số nước cũngxây dựng cơ chế trả lương cho người đại diện. Có thể do Chính phủ trả lương hoặc được trả lương tại DN, tuy nhiên phải chấp hành theo quy định của Chính phủ.

Đó là một trong những nghiên cứu của Bộ Tài chính chuẩn bị cho dự án Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.Bộ Tài chính đã có những nghiên cứu khá đầy đủ và nghiêm túc, học hỏi kinh nghiệm quản lý của một số nước để rút ra kinh nghiệm và có hướng đi phù hợp.

Người đại diện được đào tạo đặc biệt

Tại Pháp, Nhà nước có thể cử một hoặc nhiều đại diện trong Hội đồng quản trị, hội đồng giám sát của DN mà Nhà nước nắm giữ từ 10% vốn trở lên. Người đại diện được cơ quan có thẩm quyền quy định (thường là Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định) dựa vào đề nghị của Bộ quản lý ngành, liên Bộ hoặc do APE (Cơ quan quản lý phần vốn góp của Nhà nước) cử người của mình đến các DN. Khi đó vẫn có sự phối hợp giữa những người đại diện Nhà nước trong cùng một DN. Người đại diện có thể là cán bộ Nhà nước hoặc cán bộ ở các Bộ chủ quản quản lý DN hoặc cán bộ ở trong DN. Người đại diện làm nhiệm vụ quản lý tại các DNNN được đào tạo đặc biệt nhằm hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Quy định tại Ma- rốc, Người đại diện Nhà nước tại DNNN ở Ma- rốc được lựa chọn dựa trên nhiều tiêu chí đặc biệt về năng lực. Một người đại diện có thể tham gia nhiều nhất là 7 HĐQT và có tính độc lập nhất định. Người đại diện Nhà nước, đặc biệt là các vị trí lãnh đạo doanh nghiệp hay chủ tịch hội đồng quản trị có vai trò rất quan trọng, do đó cần phải có những kĩ năng về kế hoạch ngân sách, thay đổi chiến lược, phân tích rủi ro, khả năng đánh giá và ra quyết định....

Vì vậy, Nhà nước Ma- rốc đưa ra một chương trình đào tạo đặc biệt để đào tạo những nhà quản lý chuyên nghiệp. Những khóa đào tạo này cho phép các cá nhân nâng cao chuyên môn, trách nhiệm và bổ sung các công cụ nhằm phù hợp với những nhiệm vụ đặc biệt của người đại diện Nhà nước tại DN.

Tại Nga, số người đại diện được cử vào hội đồng quản trị của DNNN phụ thuộc vào quy mô của DN và quy mô vốn đầu tư của Nhà nước. Trong 11-15 thành viên của Hội đồng quản trị thì tối thiểu có tới 5 thành viên là người đại diện vốn chủ sở hữu, tối đa là 9 thành viên. Trong các DNNN lớn nhất của Nga, Nhà nước đề cử người đại diện là cán bộ của Cục Quản trị của Tổng thống, trong các DNNN thuộc khu vực trọng điểm có các Bộ trưởng làm đại diện hoặc các thành viên thuộc các ủy ban của Hội đồng liên bang hoặc thành viên của Chính phủ và được phân chia thẩm quyền đề cử người đại diện, cụ thể:

Công khai, minh bạch lương của người đại diện

Theo Bộ kinh tế, tài chính và thương mại Pháp, để tránh tiêu cực trong trả lương cho các lãnh đạo DNNN, lãnh đạo ở các công ty con, Người đại diện cho Nhà nước cần có những quy định cụ thể quy định mức lương đối với những cá nhân này. Về cơ bản, mức lương trả cho lãnh đạo DN, người đại diện được quy định không vượt quá 20 lần trung bình mức lương thấp nhất tại nhóm các DNNN chủ chốt. Theo quy định mức trần là 450.000 euros/năm chưa tính thuế. Thông tin về tiền lương được thể hiện trên một tài khoản đặc biệt của DN. Việc quy định này một mặt nhằm tăng cường quản trị và giám sát về tiền lương trong DN.

Tất cả các khoản tiền chi trả cho người đại diện trong nhiệm kỳ làm việc được trích từ ngân sách Nhà nước.

Chính phủ Latvia phê duyệt việc thay đổi các quy định về mức thù lao của các thành viên hội đồng quản trị, người đại diện vốn của chính quyền địa phương dựa trên quy tắc áp dụng đối với DN nhà nước với mức doanh thu vượt 40 triệu LVL (khoảng 56,7 triệu Euro). Bên cạnh đó, các thành viên hội đồng quản trị khi đảm nhận các trách nhiệm khác trong cùng một DN cũng sẽ được hưởng thêm thù lao, hoặc quy định hệ số lương tùy theo cấp bậc chức vụ (từ 6-10) nhân với mức lương trung bình của năm trước nhằm giới hạn mức lương tối đa của một thành viên hội đồng quản trị được hưởng.

Ở Thụy Điển, thành viên hội đồng quản trị nhận được mức thù lao cho công việc và trách nhiệm của họ. Thù lao trả cho thành viên hội đồng được thông qua tại cuộc họp Đại hội cổ đông. Chuyên viên thuộc Văn phòng Chính phủ được bổ nhiệm là thành viên Hội đồng trong các DN Nhà nước không được trả thù lao cho công việc và trách nhiệm được giao.

Năm 2010, chính phủ Cộng hòa Séc ban hành “Quy định trả lương thưởng cho Hội đồng quản trị và ban điều hành của DN có sở hữu nhà nước trên 33% bao gồm DN có vốn nhà nước và tổ chức có vốn góp nhà nước khác được thành lập theo luật định”. Mục đích của Quy định này là để ngăn chặn việc trả lương thưởng không thích hợp và gia tăng tính minh bạch. Hàng năm, các bộ ngành phải thông báo cho chính phủ về công tác trả lương của DN hoặc các tổ chức nhà nước thuộc luật này.

Quy rõ trách nhiệm để bảo toàn, phát triển vốn

Đối với Việt Nam, mặc dù chưa có Luật điều chỉnh nhưng hiện nay, quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước cơ bản đã được phân định, đã có cơ quan chịu trách nhiệm chính hoặc cơ quan đầu mối thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên DNNN. Do các quy định trên đang được thể hiện ở cấp Nghị định và chưa xác định rõ trách nhiệm đối với các tổn thất gây ra, chưa phân cấp cụ thể đối với Kiểm soát viên nên còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện.

Do đó, Dự án Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh đã quy định rõ cơ quan đại diện chủ sở hữu của DN có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên và thanh tra việc chấp hành pháp luật; việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chiến lược, kế hoạch; chế độ tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng của DN.

Ngoài ra, cơ quan đại diện chủ sở hữu của DN có trách nhiệm đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, ngành, nghề kinh doanh được giao và kết quả hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN; đánh giá đối với người quản lý DN trong việc quản lý, điều hành DN.

Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chịu trách nhiệm trước cơ quan đại diện chủ sở hữu của DN trên cơ sở hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn; chịu trách nhiệm vật chất thuộc trách nhiệm dân sự về những hành vi sai phạm gây tổn thất vốn, tài sản của DN. Kiểm soát viên có quyền kiến nghị các vấn đề cần điều chỉnh về quản trị DN đến cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp./.

>> Tập đoàn Nhà nước dám bỏ tư duy gặp khó là kêu xin?

Theo Minh Anh

thunm

Báo Hải quan

Trở lên trên