Cơ quan thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn khách quan?
Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, đặt tên cơ quan thống kê Trung ương là “cơ quan thống kê quốc gia Việt Nam”...
Theo chương trình kỳ họp thứ 9, chiều nay (22/6) Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thống kê (sửa đổi).
Trước thềm phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã thừa ủy quyền Thủ tướng ký báo cáo của Chính phủ tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và ý kiến thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội về dự án luật này, gửi tới Quốc hội.
Đặt tên mới cho cơ quan thống kê Trung ương
Tổ chức thống kê nhà nước và vị trí pháp lý của cơ quan thống kê Trung ương là một trong những vấn đề lớn được quan tâm trong quá trình góp ý hoàn thiện dự án luật.
Đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng cơ quan Thống kê Trung ương cần tách khỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cần nâng cao địa vị pháp lý cho cơ quan này, như thuộc Chính phủ hoặc thuộc Quốc hội thì mới bảo đảm số liệu thống kê độc lập, khách quan.
Theo giải trình của Chính phủ thì việc bảo đảm số liệu thống kê độc lập, khách quan trước hết phụ thuộc vào sự độc lập về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan thống kê Trung ương, của người làm công tác thống kê.
Dự thảo luật đã quy định nhiều nội dung để nâng cao tính độc lập, khách quan của số liệu thống kê. Mặt khác, mô hình tổ chức thống kê nhà nước hiện nay hoàn toàn phù hợp với thực tế của Việt Nam, đó là mô hình kết hợp giữa tập trung (hệ thống thống kê tập trung) và phân tán (thống kê bộ, ngành).
Đồng thời, việc quy định như dự thảo là phù hợp với các nghị quyết và kết luận của Ban Chấp hành Trung ương: “Từ nay đến năm 2016, về cơ bản giữ ổn định cơ cấu tổ chức Chính phủ và tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện”, Chính phủ viện dẫn.
Với đề nghị trong dự thảo luật cần nêu rõ tên của cơ quan thống kê Trung ương là gì để thống nhất, tương thích với quy định về các cơ quan thống kê địa phương, Chính phủ đã tiếp thu.
Đồng thời để bảo đảm hội nhập quốc tế, đề nghị Quốc hội xem xét, đặt tên cơ quan thống kê Trung ương của nước ta là “cơ quan thống kê quốc gia Việt Nam” trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Vinh nêu tại báo cáo.
Băn khoăn thống kê ngoài nhà nước
Thảo luận tại tổ, một số đại biểu cho rằng quy định về giá trị pháp lý của thông tin thống kê do hoạt động thống kê ngoài nhà nước tạo ra còn hạn hẹp.
Nên việc sử dụng số liệu thống kê của tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)… của một số tổ chức trong nước như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)... vẫn được các cơ quan nhà nước sử dụng trong các tài liệu chính thức của mình.
Có ý kiến đề xuất cần quy định số liệu thống kê ngoài nhà nước sau khi được thẩm định và chấp nhận của Cơ quan Thống kê Trung ương thì có giá trị như số liệu thống kê của hoạt động thống kê nhà nước.
Cần phải xác định rõ tính pháp lý của thống kê ngoài nhà nước là loại hình dịch vụ hay ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng là góp ý của đại biểu về dự thảo luật.
Nhiều đại biểu yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung những quy định về hoạt động thống kê ngoài nhà nước cho hoàn chỉnh, quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thống kê ngoài nhà nước, xác định rõ tính chất pháp lý của thống kê ngoài nhà nước và giao cho Chính phủ quy định chi tiết để thực hiện nội dung này.
Bộ trưởng Vinh nêu rõ, trong thực tế, hiện nay chưa có một tổ chức, cá nhân nào ngoài hệ thống thống kê nhà nước có đủ điều kiện về nguồn lực tài chính, con người và cách thức tổ chức để tạo ra số liệu của một chỉ tiêu thống kê cụ thể nào đó có chất lượng như hệ thống thống kê nhà nước tạo ra.
Mặt khác, với kinh nghiệm quản lý, điều kiện để nghiên cứu một cách toàn diện các hoạt động này còn hạn chế, còn nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp liên quan đến chính trị, an ninh, quốc phòng, nếu quy định ngay trong luật này sẽ không tránh khỏi sự không đầy đủ, phiến diện... làm phát sinh những vướng mắc trong quá trình thực hiện, trong một số trường hợp bị kẻ xấu, thế lực thù địch lợi dụng để thu thập, công bố các thông tin phục vụ mục đích chống phá Đảng, nhà nước và nhân dân.
Do đó, cách tiếp cận phù hợp nhất là đưa ra các quy định trong luật để các cơ quan trong hệ thống thống kê nhà nước tạo ra các số liệu thống kê với chất lượng ngày càng tốt hơn, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về chất lượng do cơ quan thống kê Liên hợp quốc nêu ra, Chính phủ bày tỏ quan điểm.