MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có thể không đấu giá mỏ sắt Thạch Khê

Thạch Khê là mỏ quặng sắt lớn duy nhất của Việt Nam, tôi tin là Chính phủ sẽ không đấu giá quyền khai thác mỏ.

Liên quan đến những chậm trễ trong việc góp vốn của các cổ đông Công ty cổ phần Thép Thạch Khê (TIC) trong Dự án Khai thác mỏ sắt Thạch Khê và sự xuất hiện của một số đối tác mới muốn tham gia Dự án.

Phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công thương về một số hoạt động của dự án này.

Thưa ông, Bộ Công thương có hướng nào để giải quyết những vướng mắc liên quan đến đóng góp tài chính của các cổ đông TIC không?

TIC sẽ phải cơ cấu lại theo hướng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nắm chi phối, dù việc này không hề đơn giản do phải phù hợp Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty. Trước mắt là phải có vốn để chi cho di dân, giải phóng mặt bằng. Bộ Công thương đã yêu cầu Hội đồng Quản trị TIC họp, thống nhất việc tăng vốn điều lệ, chốt thời hạn, số lượng góp vốn đợt đầu (trong tổng vốn điều lệ mới) và đưa ra Đại hội đồng cổ đông. Cổ đông nào không góp đủ, đúng hạn thì mất quyền.

Việc chậm trễ đưa ra những kế hoạch cụ thể để triển khai Dự án dẫn tới chậm đóng tiền của các cổ đông TIC sẽ gây ra hậu quả gì đối với công nghiệp thép và các dự án liên quan khác?

Việc chậm trễ này gây thiệt hại cho tất cả các bên.

Hiện tại, có bao nhiêu dự án khai thác và đăng ký sử dụng quặng thép Thạch Khê, thưa ông?

Chỉ có một dự án khai thác quặng Thạch Khê. Quặng Thạch Khê sẽ được sử dụng phục vụ ngành thép trong nước, không xuất khẩu. Dự kiến, quặng khai thác được sẽ cung cấp cho dự án thép 2 triệu tấn/năm của bản thân TIC (đang trong giai đoạn thẩm định), dự án liên doanh với Tata (Ấn Độ, chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư) và Dự án Kobelco tại Nghệ An (do phải thay đổi địa điểm nên đang thử nghiệm địa chất công trình nền móng ở vị trí mới).

Trong trường hợp TIC vẫn tiếp tục gặp khó khăn về vốn góp và triển khai không đúng tiến độ, có nên rút lại giấy phép và tiến hành đấu giá công khai quyền khai thác mỏ sắt Thạch Khê?

Tôi tin là ngay sau khi tái cơ cấu TIC, tiến độ dự án sẽ được đẩy nhanh. Liên quan đến đấu giá quyền khai thác mỏ, thì không phải tất cả các mỏ đều có thể đem đấu giá, Luật Khoáng sản sửa đổi cũng không quy định như vậy. Thạch Khê là mỏ quặng sắt lớn duy nhất của Việt Nam, tôi tin là Chính phủ sẽ không đấu giá quyền khai thác mỏ.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) mới đây xuất hiện trong các cuộc họp của các cổ đông của TIC và Bộ Công thương, đồng thời bày tỏ mong muốn nắm cổ phần chi phối trong TIC...?

HPG là doanh nghiệp lớn của ngành thép, có chiến lược phát triển rõ ràng, có bước đi bài bản. Mong muốn của HPG là đảm bảo nguồn quặng ổn định lâu dài cho sự phát triển. Đó là mong muốn chính đáng, nhưng việc Tập đoàn có trở thành cổ đông chi phối thì phải giải quyết theo pháp luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Khoáng sản, Luật Chứng khoán..., chứ không phải bằng quyết định hành chính. Tôi được biết, HPG và BIDV có thoả thuận hợp tác đầu tư, nhưng hiện BIDV vẫn là cổ đông sáng lập TIC.

Theo Thanh Hương

Báo Đầu tư

thanhhuong

Trở lên trên