MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Con đường đắt nhất hành tinh”: Gần 10 năm vẫn để... mụn trên mặt

Nếu tính với giá thành năm 2005 hay thời điểm hiện tại, đường Xã Đàn vẫn là một trong những con đường có mức đầu tư đắt đỏ nhất thế giới.

Được đưa vào sử dụng từ tháng 10.2005, và được đánh giá là con đường rộng, hiện đại bậc nhất Hà Nội, nhưng hiện nay trên đường Xã Đàn (được ví là con đường đắt nhất hành tinh) còn tồn tại một đoạn thắt cổ chai luôn rình rập hiểm hoạ và gây bức xúc cho người đi đường.

“Con đường đắt nhất hành tinh”

Đường Xã Đàn được đánh giá là con đường rộng và hiện đại bậc nhất Hà Nội. Đường được thiết kế hai chiều với sáu làn xe cơ giới, hai làn xe thô sơ. Nhưng ngay từ khi được đưa vào sử dụng từ tháng 10.2005, người ta đã vỡ mộng vì cả một con đường đẹp, rộng như thế lại tồn tại một đoạn đường vô cùng xấu xí. Hơn nữa, ít ai biết rằng, để có hơn 1km đường to, đẹp ấy, Nhà nước đã phải chi ra hàng chục triệu đôla. Vì vậy, con đường này được người dân ví von gọi nó là “con đường đắt nhất hành tinh”.

Sau nhiều năm khảo sát, lên kế hoạch và chuẩn bị mọi thứ, tháng 10.2005, dự án đường vành đai 1 Kim Liên – Ô Chợ Dừa mới chính thức được khởi công. Cả tuyến phố Xã Đàn có tổng chiều dài 1.500m, nhưng chỉ có 1.080m là được làm mới. Để giải phóng mặt bằng gần 5,6ha đất với hơn 1.000 hộ dân, số tiền đền bù lên đến có số kỉ lục hơn 600 tỉ. Trong khi đó, số tiền xây dựng, lắp đặt chỉ tiêu tốn 100 tỉ đồng.

Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, tổng chi phí để có hơn 1km đường Xã Đàn, Nhà nước đã tiêu tốn một khoản ngân sách lên tới 700 tỉ đồng - tương đương 45 triệu đôla. Theo giá hiện hành, số tiền làm con đường này còn đắt hơn cả làm 1km đường tàu điện ngầm (khoảng 35 triệu đôla) mà Hà Nội chuẩn bị triển khai.

Như vậy, nếu tính với giá thành năm 2005 hay thời điểm hiện tại, đường Xã Đàn vẫn là một trong những con đường có mức đầu tư đắt đỏ nhất thế giới.

Đầu tư tiền tỉ, vẫn... ùn tắc

Tuy nhiên, lâu nay, trên đường Xã Đàn đoạn trước cửa đình làng Kim Liên còn tồn tại một đoạn thắt cổ chai và đã trở thành nỗi ám ảnh với các phương tiện giao thông mỗi khi đi qua đây vào giờ cao điểm. Tình trạng này khiến người tham gia giao thông rất bức xúc, khó chịu, còn các cơ quan chức năng vẫn cứ bình chân như vại.

Sau nhiều ngày có mặt tại đây vào giờ cao điểm, chứng kiến cảnh dòng người đông đúc phải vất vả chen nhau đi qua khu vực này mới thấu hiểu được sự bức xúc và phi lý mà họ phải chịu đựng bấy lâu nay. Điều đáng nói, trong khi người đi đường đang phải hứng chịu cảnh tắc đường thì các hộ này vẫn vô tư rửa xe cho khách dưới lòng đường. Mỗi khi ôtô, xe máy ra vào đây rửa xe lại tạo nên cảnh hỗn loạn người đi ngược kẻ đi xuôi, khiến tình trạng ùn tắc diễn ra càng nghiêm trọng hơn.

Anh Lê Văn Thư (Mỹ Đức, Hà Nội) - một người làm nghề xe ôm lâu năm ở đây - cho biết: Con đường rộng là thế mà hằng ngày, cứ vào giờ cao điểm, tới đoạn này lại bị ách tắc.

"Lòng đường quá nhỏ, mà ai cũng nóng vội muốn đi nhanh nên đã không ít lần xảy ra các vụ tai nạn va quệt giữa các phương tiện gây mất trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt mỗi khi trời mưa nước ngập cao, khu vực trên lại có nhiều rãnh nước và hố sâu nên rất nguy hiểm đối với người tham gia giao thông" - anh Thư chia sẻ.

Nhiều người đi ngược chiều, ùn tắc kéo dài.

Theo lời của anh Thư, tầm này năm ngoái, một nam thanh niên quê Thanh Hóa vừa đi vào rãnh nước sâu, cả người và xe đổ ra đường đúng lúc chiếc xe bus phía sau lao tới cán trúng đùi. Sau đó, mọi người nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện.

“Có sống ở gần đây, hằng ngày phải đi qua đoạn đường này mới thấy nỗi khổ mà người dân phải chịu. Đề nghị chính quyền và cơ quan liên quan nhanh chóng xử lý kịp thời để đoạn đường này thông thoáng hơn” - anh Thư bức xúc nói.

Anh Nguyễn Công Tuấn (ở ngõ 212 đường Đê La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Mỗi ngày khi đi làm về, qua đoạn nút thắt cổ chai trên đường Xã Đàn là tôi thấy sợ, không chỉ vì sợ tắc đường mà sợ vì đoạn này có nhiều rãnh nước rất nguy hiểm".

"Khi đang lưu thông từ dưới hầm Kim Liên lên, đang đi thẳng bỗng nhiên đến đoạn nút thắt cổ chai, các phương tiện tham gia giao thông lại phải chen nhau rẽ sang để đi rất khó chịu. Nhiều lúc tắc đường, phải dừng xe giữa dốc hầm cầu. Đi ôtô còn đỡ, chứ đi xe máy nhiều người bị ngã xe và tai nạn đã xảy ra" - anh Tuấn cho biết thêm.

Theo Nguyễn Sáng - Cao Nguyên

thanhhuong

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên