MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CPI giảm, sức mua tháng 11 vẫn tăng

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước tháng 11/2014 đạt 265 nghìn tỷ đồng; tăng 3% so với tháng trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, Tổng cục thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 11/2014 bất ngờ giảm 0,27% so với tháng trước khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại về tổng cầu giảm, đặc biệt đây lại là tháng gần cuối năm.

Tuy nhiên, báo cáo về tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng của Tổng cục thống kê mới đây cho thấy, sức mua hàng hóa trong tháng vẫn tăng. CPI giảm có thể xuất phát từ nguyên nhân chính do giá xăng dầu và giá nhóm giao thông giảm trong thời gian qua.

(Xem thêm: Giá xăng giảm mạnh kéo CPI cả nước tháng 11 đảo chiều giảm 0,27%)

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 197 nghìn tỷ đồng; tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Xét theo nhóm ngành hàng hóa bán lẻ, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 2,4% so với tháng trước; hàng may mặc tăng 3,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 3,6%; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 1,2%...

Phân tích của Tổng cục thống kê cho thấy, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 11 tăng một mặt do các đơn vị tập trung đầu tư mua nguồn nguyên vật liệu để đẩy nhanh tiến độ sản xuất kinh doanh cuối năm.

Bên cạnh đó, thị trường giá cả ổn định, nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm, đồ dùng gia đình có xu hướng giảm giá; nhiều cơ sở bán lẻ thực hiện các chương trình khuyến mại cũng là những yếu tố đẩy mức tiêu dùng trong nước tăng. 

Cũng theo báo cáo, doanh thu từ dịch vụ lưu trú ăn uống tháng 11 đạt 34,3 nghìn tỷ đồng; tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chủ yếu của mức tăng trưởng này xuất phát từ yếu tố mùa vụ và tập trung ở một số tỉnh, thành phố lớn có nhiều danh lam thắng cảnh thu hút khách quốc tế. So với tháng trước, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 11 của Hà Nội tăng 1,6% và TP Hồ Chí Minh tăng 3,6%.

Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành trong tháng ước đạt 2,1 nghìn tỷ đồng; giảm 3% so với tháng trước (do lượng khách du lịch nội địa và số khách quốc tế đến Việt Nam với mục đích du lịch thuần tuý giảm) và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2013.

Doanh thu dịch vụ khác trong tháng ước đạt 31,6 nghìn tỷ đồng; tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2013. 

Xét riêng một số ngành cho thấy, mặc dù ngành kinh doanh bất động sản với gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng của Chính Phủ bước đầu làm cho thị trường này nóng hơn so với các tháng đầu năm nhưng nhìn chung giá cho thuê các căn hộ và văn phòng làm việc vẫn chưa được cải thiện. Các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể trong lĩnh vực y tế và giáo dục thu được kết quả cao hơn so với tháng trước (Khối y tế tăng 2,2%; giáo dục và đào tạo tăng 2,5%).

Tính chung 11 tháng năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 2.670,6 nghìn tỷ đồng; tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,5%. 

Trong đó, khu vực kinh tế Nhà nước đạt 270,9 nghìn tỷ đồng; chiếm 10,2% tổng số và tăng 8,9%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đạt 2.310,5 nghìn tỷ đồng; chiếm 86,5% và tăng 11%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 89,1 nghìn tỷ đồng; chiếm 3,3% và tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng, kinh doanh bán lẻ hàng hóa đạt 2.006,8 nghìn tỷ đồng; chiếm 75,1% tổng số và tăng 11,3% so với cùng kỳ; dịch vụ lưu trú ăn uống đạt 327,2 nghìn tỷ đồng; chiếm 12,3% và tăng 12%; dịch vụ khác đạt 309,9 nghìn tỷ đồng; chiếm 11,6% và tăng 8,1%; du lịch lữ hành đạt 26,7 nghìn tỷ đồng; chiếm 1% và tăng 16,4%.

>>>CPI giảm: Mừng hay lo?

Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

Trở lên trên