MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CPI tháng 8: TP.HCM tăng 2,09%, Hà Nội tăng 1,92%

Mặc dù ảnh hưởng bởi giá xăng dầu, song chỉ số giá tiêu dùng tại hai đầu cầu cả nước xoay quanh mức 2%. Trong đó nhiều mặt hàng chủ chốt giảm giá so với tháng trước.

Chỉ số giá tiêu dùng tại TP.HCM tháng 8 tăng 2,09%, tăng cao hơn so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của tháng 7 (chỉ ở mức 0,54%). Tính chung 8 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tại TP.HCM đã tăng 19,56%.
 
Trong khi đó tại Hà Nội, chỉ số CPI tháng 8 tăng 1,92% so với tháng trước. 
 

Sở dĩ tốc độ  tăng giá tiêu dùng tại TP.HCM và Hà Nội trong tháng 8 tăng mạnh so với tháng 7 do tác động của việc tăng giá xăng hơn 30% từ 14.500 đồng/lít lên 19.000 đồng/lít. Việc tăng giá xăng đã khiến các ngành hàng về giao thông tại TP.HCM tăng hơn 8,16% so với tháng trước, và tăng hơn 18,04% so với đầu năm.

 

Ngoài tác động của việc tăng giá xăng dầu, nhìn chung các ngành hàng khác đều không có biến động lớn và duy trì ở mức tăng rất nhẹ. Cụ thể, ngành hàng ăn và dịch vụ ăn uống Tại TP.HCM chỉ tăng 1,49% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá lương thực thậm chí giảm 1,94% so với tháng trước.

 

Tuy nhiên, tính chung 8 tháng đầu năm, giá các mặt hàng ăn và dịch vụ ăn uống tại TP.HCM vẫn tăng 29,7% so với đầu năm và tăng 44,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù giá lương thực tháng này đã giảm song so với đầu năm vẫn tăng 70,04% và so với cùng kỳ năm trước tăng 84,24%, dẫn đầu toàn ngành về tốc độ tăng giá.

 

Mặc dù thị trường vàng trong những ngày qua tăng giảm với biên độ lớn  tuy nhiên nhìn chung chỉ  số giá vàng và giá đô la Mỹ tại khu vực TP.HCM đều có mức giảm lần lượt là 2,79% và 3,87% so với tháng trước, tại Hà Nội lần lượt là 2,86% và 5,28%. Chỉ số giá vàng và USD đều giảm khi thị trường ngoại tệ trong nước đã bình ổn trở lại khi có sự can thiệp kịp thời của Ngân hàng nhà nước và giá vàng đang sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây.

 

Ngoài mặt hàng lương thực, đồ uống thuốc lá và bưu chính viễn thông tại TP.HCM có tốc độ tăng giá giảm so với tháng trước. Nhìn chung các mặt hàng khác như may mặc , mũ nón giầy dép, thiết bị đồ dùng gia đình, giáo dục, văn hoá giải trí du lịch và các hàng hoá dịch vụ khác đều có mức tăng nhẹ dưới 1%.

 

Các mặt hàng như nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tại TP.HCM tháng này tăng 2,43% so với tháng trước, tăng 12,57% so với đầu năm. Mặt hàng thuốc và dịch vụ y tế cũng có mức tăng hơn 2% so với tháng trước.

 

Hoàng Ly - Phương Thảo

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên