MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm: Giảm mạnh tổng cầu sẽ ảnh hưởng đến nhóm SMEs và khu vực nông nghiệp

Hiện nay có 30% DN vừa và nhỏ tiếp cận được vốn, 30% tiếp cận được nhưng còn nhiều khó khăn, trên 30% không tiếp cận được và rất lao đao.

Sáng nay trong phiên Thảo luận ở hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2011. Đại biểu Quốc Hội Cao Sĩ Kiêm – đoàn Thái Bình đã chỉ ra những vấn đề nảy sinh khi thực hiện Nghị quyết 11 của Chính Phủ. CafeF trích dẫn có biên tập toàn văn bài phát biểu của Đại biểu.

Bắt mạch Nghị Quyết 11

“Các giải pháp trong Nghị quyết 11 khá toàn diện, rất đúng hướng, định lượng khá rõ và đang triển khai rất mạnh, đang có những chuyển biến bước đầu rất tích cực. Nhưng đang nổi lên một số vấn đề”.


Đang phát sinh hậu quả cho 2 khu vực

Thứ nhất, chúng ta giảm tổng cầu mạnh thông qua chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, cũng như chính sách tài khóa thắt chặt như số liệu trong Báo cáo của Chính phủ đã nêu. Đây là một liều thuốc rất mạnh. Nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc khả năng kiềm chế lạm phát là có thể. Nhưng đang nảy ra những hậu quả rất lớn cho 2 lĩnh vực.

Lĩnh vực sản xuất: Trước hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đang rất khó khăn và thiếu vốn. Khi chúng ta thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, SMEs đã thiếu vốn lại còn lãi suất cao. Đây là một đòn rất nặng hay một thách thức rất nặng đối với sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, hiện nay có 30% SMEs tiếp cận được vốn. 30% tiếp cận được nhưng còn nhiều khó khăn. Trên 30% không tiếp cận được và rất lao đao.

Nông nghiệp: Đầu vào tăng lên nhanh, đầu ra nông dân cũng không được hưởng trọn vẹn, vì chúng ta quản lý không chặt, một số rơi rớt trong các tầng lớp trung gian, cộng thêm giá vào, đời sống nông dân, nhất là những vùng thuần canh, ví dụ Thái Bình chúng tôi là một khó khăn, thách thức rất lớn.

Thách thức đến từ trong nước và nước ngoài

Mặc dù chúng ta tăng mạnh chi phí dồn dập tất cả những yếu tố cho năm 2011 kể cả tỷ giá lãi suất, điện, xăng dầu là rất đúng. Chúng ta làm được sẽ tránh những méo mó của những chính sách và những thể chế, cách điều hành của chúng ta trước đây và nó cũng tạo ra yếu tố bền vững. Nhưng nó sẽ tạo ra mặt bằng giá mới và mặt bằng giá mới này ở mức rất cao.

Trong khi đó, 3 lĩnh vực gồm: vật liệu xây dựng, lương thực thực phẩm, những chi phí cho giáo dục, y tế tiếp tục tăng lên rất nhanh,  mức tăng này đánh vào đại đa số tầng lớp làm công ăn lương và những người thu nhập thấp, đây là vấn đề thách thức rất lớn.

Diễn biến của Bắc Phi Trung Đông và Nhật tác động mạnh trước mắt và lâu dài đến kinh tế thế giới không loại trừ Việt Nam. Điều này tạo ra những thách thức rất lớn cho thế giới và cho chúng ta, trong đó không loại trừ những cơ hội có thể khai thác được.

Cho nên, nếu chúng ta kiềm chế được lạm phát, ổn định được vĩ mô, sửa chữa được những khuyết điểm của chúng ta về trung và dài hạn như môi trường đầu tư, hiệu quả kinh tế đầu tư, vấn đề xã hội, vấn đề về sức cạnh tranh và bất bình đẳng xã hội đang có xu hướng tăng lên thì có thể giải quyết được trước mắt, tạo được yếu tố lâu dài về phát triển bền vững.

Đề xuất 3 việc cần phải làm ngay

“Để đảm bảo mục tiêu của Quốc hội đặt ra và Nghị quyết của Chính phủ, tôi xin đề nghị 3 việc tiếp theo”:

Thứ nhất, phải cụ thể hóa nhanh mức độ, điều kiện, nội dung thực hiện vào 3 vấn đề: Một, chúng ta phải nêu rõ, nêu nhanh, đặc biệt là nêu liều lượng những công trình sắp xếp lại, những chi tiêu hành chính mà chúng ta sẽ cắt giảm. Nên tính toán việc cắt giảm, kể cả chi phí hành chính và dự án xây dựng cơ bản, kể cả về hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, những vấn đề giải quyết trước mắt và những hậu quả phải giải quyết lâu dài.

Nếu chúng ta cắt không chỉnh, giảm không chỉnh, giảm đồng loạt mà điều chỉnh không rõ ràng thì hậu quả chúng ta lại gánh tiếp vào những năm sau.

Làm rõ địa chỉ, mức độ và liều lượng của ưu tiên tín dụng trong Nghị quyết của Chính phủ nêu, trước hết là vốn cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Vì trong lạm phát này, khả năng khai thác các mặt thì nó cũng còn có hạn chế, nhưng chúng ta tập trung vào cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân như Nghị quyết 7 mà thực hiện thành công. Cho nên vấn đề vốn, tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí, tạo điều kiện cho nông nghiệp, nông thôn phát triển trong tình hình lạm phát cao như thế này là một yếu tố quyết định để giải quyết vấn đề trước mắt cũng như lâu dài.

Hai, chúng tôi đề nghị vốn xuất khẩu, vốn các SMEs cũng phải có liều lượng nội dung và địa chỉ rõ ràng, nếu không đúng địa chỉ thì hậu quả nó lại càng tăng lên.

Ba, tất cả những giải pháp mà chúng ta làm rất chặt chẽ, đặc biệt những giải pháp quản lý trong tài chính và tiền tệ, nó sẽ đẩy lên những vấn đề mới, cản trở mới. Do đó, đề nghị các ngành chức năng phải có những biện pháp để tháo gỡ ngay những vấn đề nảy sinh mới gây khó khăn vi phạm quyền lợi của dân và của sản xuất kinh như: vàng, ngoại tệ.

Thứ hai, Tập trung lập lại kỷ cương, kỷ luật trong điều hành và quản lý. Đây là một vấn đề mà tôi rất đồng tình với báo cáo của Thủ tướng. Kỷ luật kỷ cương không được lập lại nó gây rất thiệt hại về kinh tế, giảm động lực và chí khí trong việc thực hiện, làm thiếu lòng tin …

Thứ ba, chúng ta không được quên giải pháp tình thế giải quyết trong năm 2011 và đặc biệt vấn đề lạm phát và ổn định vĩ mô luôn luôn phải gắn với vấn đề trung và dài hạn. Chúng ta luôn luôn phải giải quyết các vấn đề nền tảng cơ bản của đất nước như: mô hình tăng trưởng, cơ cấu, hạ tầng, chất lượng nguồn lực.

T. Sam
Theo Quốc hội Việt Nam

quynhnn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên