MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Trần Du Lịch: Đề nghị cắt hết tiền tiếp khách, sơ kết, kỉ niệm ngành

“Chính phủ có quyết định bán cổ phần tại một số DNNN mạnh, làm ăn lãi cao để tăng thêm nguồn thu; hoặc vay Ngân hàng Nhà nước để đáp ứng nhu cầu chi ngân sách là dấu hiệu không bình thường so với những năm trước trong việc thu chi ngân sách”.

Đó là ý kiến được Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thạch Hồng (Bình Dương) đưa ra trong phiên họp thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội và thực hiện ngân sách Nhà nước sáng ngày 22/10.

Trước việc giá dầu thế giới giảm sâu, ảnh hưởng đến tình hình thu chi ngân sách, Đại biểu Nguyễn Thạch Hồng cho rằng cần lãm rõ ngân sách hiện nay có phụ thuộc vào giá dầu hay không? Đồng thời, cần lãm rõ nhận định mà nhiều tổ chức kinh tế thế giới đưa ra, việc giá dầu giảm sâu giúp có giúp Việt Nam tận dụng được cơ hội, giảm chi phí giá thành sản phẩm, từ đó thúc đẩy tăng trưởng? Từ đó, cần có nghiên cứu trong điều hành chỉ tiêu, chính sách cụ thể hơn để tận dụng cơ hội này.

Làm rõ giá dầu trong cơ cấu ngân sách?

Cho rằng chính sách tiền tệ và tài khóa đưa ra khá tốt, song theo đánh giá của Đại biểu Nguyễn Thạch Hồng, việc điều hành này chưa linh hoạt. Dẫn chứng, lạm phát đã giảm mạnh từ 18,3% xuống 2% được đánh giá là thành công, song vấn đề được vị Đại biểu này đặt ra, là lạm phát có đang gắn với thiểu phát?

“Có phải chăng ta thắt chặt chính sách tiền tệ, muốn giữ ổn định đồng tiền Việt Nam và tập trung đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng nên đưa ra chính sách tài khóa và tiền tệ này. Vấn đề này có liên quan gì đến số DN bị phá sản và dừng hoạt động? Điều này cần phân tích cụ thể hơn để điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa linh hoạt, ổn định duy trì vĩ mô và đảm bảo tăng trưởng hợp lý”, Đại biểu Nguyễn Thạch Hồng đặt vấn đề.

Đặc biệt, bày tỏ sự quan ngại khi bội chi tăng cao, vay nợ tăng nhanh, mặc dù trong giới hạn, Đại biểu Nguyễn Thạch Hồng cho rằng việc phải cơ cấu lại thời hạn phát hành trái phiếu Chính phủ, cho thấy đây là dấu hiệu mất cân đối nghiêm trọng trong thu chi ngân sách.

“Đặc biệt khi thu chi ngân sách không phục vụ mục tiêu tái đầu tư mà thực hiện chi thường xuyên rất lớn và cho đảo nợ, đáo nợ ngân hàng. Gần đây Chính phủ quyết định bán cổ phần tại một số DN và tập đoàn làm ăn lãi cao để tăng nguồn thu; hoặc vay Ngân hàng Nhà nước để đáp ứng nhu cầu chi ngân sách, là dấu hiệu không bình thường so với những năm trước trong việc thu chi ngân sách. Do đó, cần cơ cấu lại nợ, phát hành trái phiếu làm sao để đảm bảo, giải quyết vấn đề này”, vị này khuyến nghị.

Cùng nỗi lo về vấn đề chi tiêu ngân sách, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho biết trong vài chục năm đi vay nhưng cuối cùng “thu chỉ đủ chi thường xuyên”, không có vốn để đầu tư. Vấn đề đặt ra là tiết giảm chi thường xuyên, nhưng lại để xuất tăng lương, Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng trong bối cảnh hiện nay không thể vay để tăng lương.

"Sốt ruột đủ loại kỷ niệm ngành, toàn tiền thuế của dân"

“Chúng ta phải mạnh dạn, xem xét lại toàn bộ cách chi tiêu hiện nay, tôi đề nghị cắt hết các khoản này: tiếp khách, nghiên cứu, sơ kết, kỉ niệm ngành, đi nước ngoài… Đọc báo suốt ngày thấy đủ loại kỷ niệm, tất cả tiền đó đều ngân sách và thuế của dân cả, ai bỏ tiền túi ra đâu? Quốc hội phải mạnh dạn lên, thì mới có tiền dư ra để làm các việc lớn Bộ máy phình ra, năm sau còn tăng nữa thì lấy cái gì tăng lương?”, Đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn đề xuất.

Liên quan đến chủ trương thoái vốn tại các DNNN, Đại biểu Trần Du Lịch cũng bày tỏ quan điểm không ủng hộ đưa cổ phần vốn Nhà nước vào ngân sách để sử dụng cho đầu tư. Vị này lập luận, thiếu nguồn cho đầu tư là do chi thường xuyên đã cạn, nên nếu đưa vào ngân sách để chi tiêu theo kiểu “nước lên lên thuyền”, có thể sẽ mất hết tài sản.

Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị: “Tiền đầu tư vào đâu, cơ sở hạ tầng nào, chương trình nào thì cần có địa chỉ rõ ràng, không được hòa vào ngân sách. Bao nhiêu năm ta mới xây dựng được Vinamilk, giờ hòa vốn tài sản này vào là hết. Cần phải đầu tư đúng địa chỉ và Quốc hội phải duyệt danh sách đầu tư đó. Nếu không có địa chỉ, hòa vào ngân sách thế này vài năm tôi e là hết”.

San Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên