Đại hội Đảng 12: “Chờ quyết sách lớn cải cách thể chế”
“Đại đa số người dân đều mong muốn lãnh đạo nhiệm kỳ mới là những người có tư duy đổi mới”...
- 17-01-2016Tổng kiểm tra công tác phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII
- 15-01-20165 năm qua, thể chế kinh tế đổi mới những gì?
“Cốt lõi vấn đề vẫn là cải cách thể chế, tôi mong Đại hội lựa chọn được những người lãnh đạo mới có đủ sức đưa kinh tế phát triển bằng thể chế mới”, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) Văn Đức Mười chia sẻ trước thềm Đại hội Đảng 12.
Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng 11, theo ông Mười, vai trò của doanh nhân đã được nhắc đến rất nhiều, chính sách cũng có nhiều điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhưng, “trước đây khó khăn, hiện nay khó khăn và sẽ còn khó khăn nữa, là thể chế chưa được cải thiện đúng mức”, ông nhấn mạnh.
Theo nhận xét của Tổng giám đốc Vissan, ở tầm vĩ mô thì chính sách đúng đắn và thông thoáng, nhưng các cấp trung gian không chỉ triển khai chậm, mà nhiều nơi vẫn còn dùng cơ chế cũ để “sửa đổi” lại chính những điều đúng đắn ấy.
Bởi vậy, mong muốn lớn nhất của ông Mười là Đại hội 12 sẽ có những quyết sách lớn để cải cách thể chế một cách thực sự. Và muốn vậy thì rất cần những người có tư duy thực sự đổi mới.
Không có đủ thông tin để có thể bày tỏ chính kiến về công tác nhân sự của Đai hội 12, song qua đại hội Đảng các cấp vừa qua, ông Mười cho rằng nếu lựa chọn được đội ngũ cán bộ trẻ là điều rất tốt.
Bởi, “tuổi trẻ bao giờ cũng nhiệt huyết hơn, còn người lớn tuổi đôi lúc bảo thủ mà chính bản thân mình cũng không biết”.
Từng là doanh nhân và cũng là người quan tâm sâu sắc đến cải cách thể chế, Phó chủ tịch UBDN tỉnh kiêm Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng cho rằng, không riêng ông mà “đại đa số người dân đều mong muốn lãnh đạo nhiệm kỳ mới là những người có tư duy đổi mới”, và là những người luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Ông Đồng nói rằng ông rất tâm đắc với quan điểm trong một bài báo đã đọc vài năm trước. Đó là: “Đất Việt đã nhiều phen nguy biến, nhưng khi nào những người lãnh đạo cao nhất khiến nhân dân tin rằng, với họ “Tổ quốc là trên hết” thì nhất định sẽ vượt qua bất cứ thử thách nào”.
Bên cạnh thể chế và nhân sự, đột phá nào cho nền kinh tế từ nhiệm kỳ sau của Đảng cũng là vấn đề được quan tâm trước thềm Đại hội.
Từ trải nghiệm mấy chục năm lăn lộn trên thương trường, người đứng đầu Vissan cho rằng muốn đưa đất nước phát triển bền vững thì cần hun đúc tinh thần quốc gia khởi nghiệp.
Theo ông, cần phải thay đổi từ giáo dục, cần hun đúc tinh thần quốc gia khởi nghiệp, làm giàu cho cá nhân ngay từ học sinh ở bậc trung học.
“Nếu thời chiến thì phải đặt Tổ quốc lên trước, còn ở thời bình thì tôi nghĩ rằng cứ làm giàu cho bản thân trước rồi đóng góp cho đất nước”, ông Mười nêu quan điểm.
Tại sao con trẻ lại chủ yếu được định hướng thành bác sĩ, kỹ sư, thành công an, bộ đội… mà không phải là một doanh nhân, cũng là câu hỏi đã nhiều lần được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc tâm tư với báo chí.
Ông Lộc cho rằng, giáo dục Việt Nam bấy lâu nay ít thực tiễn và thiếu tính sáng tạo, không làm cho học sinh hứng thú với việc nghĩ khác, làm khác, không định hướng học sinh làm dân mà thích làm quan, làm công chức… Đó là trở ngại lớn cho một đất nước khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, qua nhiều năm đổi mới, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn đang thiếu đi những thiết chế pháp lý cần thiết nhằm bảo vệ vững chắc quyền và lợi ích của doanh nghiệp.
“Những bất ổn xảy đến với doanh nghiệp tại Việt Nam thời gian qua, có phần quan trọng là do chính sách can thiệp quá sâu vào thị trường của Nhà nước gây nên. Nếu chúng ta để cho thị trường tự vận hành theo cơ chế của nó, thì doanh nghiệp tư nhân chắc chắn vẫn ổn, và nếu có rủi ro thì đó là những rủi ro tiên liệu được”, ông Lộc nhìn nhận.
Và đây, cũng có thể coi là “điểm nghẽn” của thể chế, cần có quyết sách đủ mạnh để tháo gỡ, ngay từ nhiệm kỳ mới của Đảng.
Vneconomy