MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đánh thuế túi nylon gây khó cho doanh nghiệp

Ngày 15-12, Sở TN-MT TPHCM và Tổng cục Thuế cùng Bộ TN-MT tổ chức hội thảo về tiêu chí và phương pháp đánh giá túi nylon tự hủy.

Tuy nhiên, ngay khi vừa khai mạc, hội thảo nhanh chóng chuyển thành diễn đàn tranh luận gay gắt về những bất cập trong việc áp dụng Luật Thuế môi trường. Trong đó, tập trung chủ yếu về mức thuế áp dụng đối với túi nylon sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2012.

Thiếu lộ trình phù hợp

Ông Trương Minh Dũng, Phó Giám đốc Công ty Tân Đại Thành, bức xúc, doanh nghiệp ông sản xuất các loại bao bì nylon, là đối tượng phải chịu thuế môi trường nhưng chưa một lần được tham gia ý kiến. Hơn nữa, từ thời gian đưa ra dự thảo đến khi áp dụng chưa đầy một năm.

Cho đến nay, nhiều cán bộ thuế vẫn chưa thể hướng dẫn cho doanh nghiệp (DN) cách thức kê khai loại thuế trên như thế nào. Những DN, cơ sở sản xuất nhỏ, áp dụng mức thuế khoán thì càng khó hơn.

Ông Võ Ngọc Thu, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Nhựa Việt Nam, nhấn mạnh, liên quan đến vấn đề triển khai thu thuế bao bì được làm từ màng nhựa, hiệp hội nhựa đã có nhiều hội thảo, nhiều văn bản đóng góp ý kiến lên các cơ quan chức năng.

Trong đó, đề nghị các cơ quan chức năng cần phải áp dụng có lộ trình phù hợp. Đơn cử, mức tiền thuế có thể bắt đầu với khoảng 10.000 đồng/kg thay vì 40.000 đồng/kg như hiện nay.

Không chỉ vậy, trước khi thực hiện đánh thuế môi trường thì cần hoàn thiện và ban hành những tiêu chí về bao bì thân thiện môi trường. Từ đó, tạo điều kiện cho DN có thời gian chuyển đổi sang sản xuất những sản phẩm có lợi cho môi trường hơn.

Đồng thuận với những bức xúc trên, nhiều DN đồng loạt cho rằng, đáng lẽ tiêu chí về loại bao bì thân thiện với môi trường (có thể là loại bao bì sinh học, bao bì nhựa có trộn phụ gia…) phải có trước ít nhất một năm trước khi có áp dụng thuế môi trường.

Trung tâm nào có chức năng chứng nhận sản phẩm bao bì của các DN đạt chứng nhận bao bì thân thiện môi trường cũng chưa được xác định.

Đánh vào hành vi hay túi tiền người tiêu dùng

Ở một khía cạnh khác, nhiều đại biểu cho rằng nếu không khéo thì các cơ quan chức năng đang tạo ra cái cớ hợp pháp để các DN đồng loạt ồ ạt tăng giá sản phẩm, nhất là vào thời điểm cận kề Tết Nguyên đán.

Công ty Nhựa Tấn Phong cho biết, thực tế có đến 99% lượng sản phẩm trên thị trường trực tiếp hoặc gián tiếp sử dụng nylon. Việc áp dụng mức thuế quá cao như hiện nay, khoảng 40.000 đồng/kg, có thể khiến DN tăng giá sản phẩm. Liệu chính sách chống lạm phát của Chính phủ có hiệu quả?

Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn Sở TN-MT TPHCM, cho biết thêm, trung bình mỗi năm cả nước sản xuất khoảng 800.000 tấn bao bì từ nhựa, trong đó TPHCM chiếm khoảng 80%.

Nếu áp dụng mức thuế trên, dự kiến ngành nhựa sẽ phải đóng thuế 9.000 - 15.000 tỷ đồng. Điều này chắc chắn ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của DN.

Từ đó, tác động lớn đến thu nhập đại đa số người dân – những người vốn đang sử dụng rất nhiều bao bì từ nhựa mà không hề có sự lựa chọn thay thế nào khác.

Không chỉ vậy, việc thiếu tiêu chí đánh giá và chứng nhận bao bì tự hủy đã và đang tạo ra sự bất công bằng cho các DN trong nước đã và đang sản xuất bao bì tự hủy theo tiêu chuẩn của các nước trên thế giới.

Trước hàng loạt bức xúc của đại biểu tham dự, đại diện Bộ TN-MT cũng như Tổng cục Thuế chỉ biết ghi nhận ý kiến để báo cáo cấp trên.

Theo Minh Xuân

SGGP

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên