MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu tư công: Phải minh bạch, rõ trách nhiệm

Tại phiên thảo luận mới đây, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “Khi chúng tôi soạn thảo Luật Đầu tư công, có cán bộ cấp vụ nói với tôi rằng đang lấy đá ghè chân mình.

 Nếu làm mọi thứ minh bạch thế này thì còn ai tìm đến bộ nữa”.Từ đây trên các diễn đàn dấy lên những tranh luận về việc thu chi, đầu tư công dàn trải, không minh bạch...

Theo TSĐỗ Thiện Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright,đầu tư công là vấn đề kéo dài dai dẳng suốt hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, các vấn đề thảo luận hiện nay không có gì mới. Hiện nay chúng ta chưa có biện pháp nào thực sự hữu hiệu.

Hơn bảy năm trì hoãn

Ông đánh giá thế nào về dự thảo Luật Đầu tư công đang được thảo luận?

+ TS.Đỗ Thiện anh Tuấn: Một điều đáng lưu ý, hiện nay mình định nghĩa đầu tư công của chúng ta thiếu đi ba thành phần quan trọng:

- Trái phiếu Chính phủ bảo lãnh.

- Phần vốn và tài sản mà ngân sách đã đầu tư vào doanh nghiệp.

- Phần vốn Nhà nước trong các dự án liên kết.

Như vậy chúng ta đang bỏ qua nhiều phần vốn tài sản có nguồn gốc từ ngân sách. Đây là sự thất bại ngay từ đầu của Luật Đầu tư công.

Đó chỉ là một điểm nhưng hầu hết chuyên gia đều cho rằng nó cần thiết. Vậy tại sao ông cho rằng Dự thảo Luật Đầu tư công không mới?

+ Dự thảo Luật Đầu tư công đã được đưa ra 7-8 năm trước, ngay khi nền kinh tế đi vào suy giảm nhưng nó bị trì hoãn cho tới tận bây giờ người ta mới trình ra. Điều này phơi bày nhiều thứ, rằng có những người không chịu sửa chữa, không muốn cải cách. Việc soạn thảo, ban hành luật không đảm bảo được tính khách quan. 

Bộ nào cũng muốn vơ quyền lực về phía mình nên cải cách luôn bị trì hoãn và không đến nơi đến chốn. Vấn đề thất thoát, lãng phí được nói nhiều nhưng đến nay vẫn không có sự thay đổi.



Đầu tư công còn quá dàn trải gây lãng phí. Ảnh minh họa: HTD

Tuy nhiên, Dự thảo Luật Đầu tư công này được đưa ra bàn luận cũng cho thấy vẫn có những người muốn cải cách và tạo tiền đề có thể thực hiện được. Đó là tín hiệu rất đáng mừng cho nền kinh tế.

Trách nhiệm mù mờ

Nhưng không thể phủ nhận một, hai năm trở lại đây chúng ta cũng đã cắt giảm đầu tư công rất nhiều, thưa ông?

+Đúng là đã cắt giảm. Nhưng nhìn lạiđầu tư hiện nay của mình rất nhiều nhưng nó đi đâu hết. Tăng trưởng là nhờ vào đầu tư, khu kinh tế nhà nước khi cắt giảm cũng chưa được kiểm soát. Thành ra chỗ mình cắt quá nhiều, chỗ lại cắt ít. Nguyên nhân là do chúng ta không có tiêu chí rõ ràng trong cắt giảm đầu tư. 

Cuối cùng chỗ người ta than cần đầu tư thì cắt hết và ngược lại. Chẳng hạn ở một tỉnh miền Trung, người ta dựng một cái xà thay cầu đi tạm cho các em học sinh đi học. Nhưng sau một cơn lũ lớn, chiếc cầu bị cuốn trôi và các em thiệt mạng. Khi điều tra ra thì được biết cầu đang xây dở dang, còn nguồn tiền hiện đang dành để xây trụ sở chính quyền xã.

Việc phân bổ vốn đầu tư hiện nay có trách nhiệm của một số lãnh đạo các cấp. Và một trong các vấn đề Dự thảo Luật Đầu tư công phải phân rõ trách nhiệm ông chính quyền. Trong trường hợp trên là lãnh đạo xã đã đưa ra quyết định đầu tư trụ sở trong thời điểm đó phải chịu trách nhiệm về sơ suất đó. Nhưng thực tế không có quy kết trách nhiệm nào.

Vậy ông đánh giá thế nào khi có ý kiến cho rằng đầu tư công vừa ăn đong vừa vung tay quá trán?

+ Ăn đong tức là vay vốn nước ngoài, vay vốn viện trợ, vay vốn đủ các loại mà mình lại chi tiêu một cách quá nhiều. Tôi không tin có một giải pháp ăn đong chính sách như vậy lại mang lại hiệu quả cả. Đặc biệt người Việt Nam có bệnh thích hoành tráng và thường làm trục trặc ở đâu sửa chữa tới đó. 

Nguyên nhân là vì mình không có ràng buộc ngân sách cứng. Một dự án khi đưa ra phải bao gồm cả những rủi ro, trượt giá… nhưng người ta lại không đưa vào vì lý do xin ít sẽ dễ xin hơn. Nên phải chờ duyệt rồi thực hiện, nảy sinh ra anh quay lại xin thêm. Nếu không ràng buộc ngân sách mềm thì không ai vung tay quá trán như vậy.

Nghĩa là điều đó tạo ra sự thất thoát?

+ Đúng vậy, thất thoát chính là sự lãng phí. Và bản thân sự thất thoát là tham nhũng. Ở các nước khác, khu kinh tế nhà nước đầu tư không quá lớn và không quá phình to như ở Việt Nam. Việt Nam lại chỉ muốn xây cái gì đặc thù và chi phí cho cái này cực kỳ đắt đỏ. Việc phân cấp xuống tỉnh thành, quận huyện, phường xã... chưa có sự rõ ràng trong phân quyền, cấp... Mà chúng ta làm gì có mô hình phân cấp và Luật Đầu tư công cũng không bao quát được điều này. 

Trong khi các quyết định chúng ta đa phần dựa vào chính trị nhiều hơn. Đó là vì họ muốn tạo ra dấu ấn nhiệm kỳ, từ lãnh đạo cấp cao, ảnh hưởng sang lãnh đạo cấp địa phương. Cái này có phục vụ cộng đồng hay không còn phải xem lại, mà nhiều phần là cơ hội mầm mống cho thất thoát và tham nhũng.

Mới đây có câu chuyện tại Trung Quốc, văn phòng có năm người nhưng họ xây trụ sở như một tòa lâu đài rộng rãi. Cũng giống Việt Nam, có thể phần nào ảnh hưởng văn hóa và một phần là do thể chế tạo thành cái lâu đài lộng lẫy bề thế ấy. 

Nhưng lâu đài ấy hay trụ sở văn phòng mới không phục vụ cho bản thân công việc, nó không làm cải cách hành chính tốt hơn, không làm cho dân địa phương đó giàu lên hay lợi ích địa phương đó được hưởng gì cả. Nhưng nó lấy đi nguồn lực dự án phát triển khác, như cái cầu ở địa phương cho con em đi học chẳng hạn.

Tài nguyên không được dùng cho cộng đồng

Nhưng ở nhiều nước cũng phân cấp vốn đầu tư công xuống các bang, tiểu bang, thưa ông?

+ Đúng vậy nhưng cái quan trọng là họ có phân cấp đầu tư, giám sát… phân quyền, cấp rõ ràng. Thứ hai là họ có nền tảng thể chế hỗ trợ, mình cũng không có được. Thứ ba, các quyết định là quyết định kinh tế. 

Chung quy lại cũng là vấn đề xác định quyền sở hữu. Quyền sở hữu ở đây không chỉ có đất đai mà gồm cả rừng núi, sông hồ, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp, công trình, văn hóa-xã hội… Trong khi đa số cái mình sửa đổi là nói về đất đai. Chúng ta cũng định nghĩa những tài sản đó là sở hữu toàn dân.

Elinor Ostrom, người phụ nữ đầu tiên được giải Nobel Kinh tế, định nghĩa rằng: “Tài sản của mọi người là tài sản không của ai cả. Tài sản không của ai cả là tài sản của một nhóm người”. Việt Nam cũng như thế, Luật Đất đai cũng bàn luận và được sửa đổi. Còn các nguồn tài nguyên hiện nay dường như khu kinh tế nhà nước chiếm lĩnh bằng cách này, cách khác và nó không được dùng cho cộng đồng.

Nhưng những nguồn tài nguyên này cũng phục vụ cho lợi ích quốc gia, tại sao ông lại cho rằng không dùng cho cộng đồng?

+Mục đích cộng đồng ở đây có nghĩa là giống như ở Chi Lê, sau khi phát hiện ra mỏ đồng và một hội đồng ngồi lại để xem sử dụng thế nào hiệu quả nhất. Sau đó họ đấu giá công khai và nguồn thu được họ tạo thành quỹ gọi là quỹ bình ổn. Quỹ đó dùng để bình ổn nền kinh tế khi gặp cái bất ổn như suy thoái kinh tế hay là kích thích những chính sách kinh tế. Hơn nữa Chi Lê có quy tắc tài khóa gọi là quy tắc 1%. Nghĩa là mỗi năm phải duy trì 1% thặng dư. 1% này sẽ được cất vào két sắt để đó. Còn mình chưa có thặng dư mà năm nào cũng -5%, thâm hụt ngân sách. Nhờ thế mà Chi Lê cực kỳ hưng thịnh, ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng.

Vậy mình có thể học hỏi Chi Lê từ việc tạo ra quỹ này không, thưa ông?

+ Hiện nay nguồn tài nguyên của mình đã được phân tán cho các tổ chức, các doanh nghiệp nhà nước rồi. Sự phân bổ quyền khai thác các nguồn tài nguyên đó cho các doanh nghiệp nhà nước và một phần là cho các doanh nghiệp tư nhân nhưng không thông qua theo cơ chế giá thị trường đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai là mình đang gặp nan giải là ngân sách đang thâm thủng nên có bao nhiêu tiền là bù vào cái thâm thủng. Mà cái bù thâm thủng thì làm gì có được cái quỹ bình ổn như Chi Lê.

Hiện nay nguồn trả nợ của Việt Nam đã ăn vào ngân sách chi hằng năm rồi. Nó làm giảm đi nguồn lực còn lại dành cho nền kinh tế, dành cho sự phát triển. Mỗi năm chúng ta trả hơn 2 tỉ USD, như vậy nó sẽ lấy đi rất đáng kể nguồn lực dành cho đầu tư phát triển. Tính ra mỗi người Việt Nam đang phải gánh hơn 700 USD.

.Xin cảm ơn ông.

Theo Yên Trang


cucpth

Phapluat TPHCM

Trở lên trên