Dệt may Việt Nam nhìn từ cuộc phá giá đồng Nhân dân tệ
Việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ tuy chưa ảnh hưởng trong ngắn hạn đối với ngành dệt may Việt Nam nhưng điều này vô hình sẽ khuyến khích nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may từ Trung Quốc có thể tăng mạnh.
- 11-08-2015"Sa lầy" trong kiếp gia công, chỉ 50% dệt may xuất sang EU tận dụng được FTA?
- 09-08-2015Dệt may chờ “cất cánh”
- 09-08-2015Tăng lương tối thiểu vùng 2016: Doanh nghiệp dệt may khó khăn kép!
Dệt may Việt Nam đang phụ thuộc tương đối lớn vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, do đó việc Trung Quốc phá giá đồng tiền có thể khiến giá nguyên phụ liệu giảm so với thời điểm trước đó, điều này có lợi cho các doanh nghiệp sản xuất dệt may trong nước.
Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) từng công bố, dệt may của Việt Nam mới chỉ chủ động được khoảng 50% nguyên phụ liệu trong nước phần còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 48% phổ biến là các mặt hàng như sợi, xơ, thuốc nhuộm, hoá chất… thậm chí một số doanh nghiệp phải nhập toàn bộ nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.
Nguyên phụ liệu cho ngành dệt may có xuất xứ từ Trung Quốc như "thỏi nam châm" đối với doanh nghiệp dệt may Việt Nam nhờ giá bán rẻ, cạnh tranh mạnh với các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Cụ thể, so sánh với Nhật Bản giá nguyên phụ liệu cho dệt may của Trung Quốc chỉ rẻ bằng 25-35%. Do đó việc thay đổi thị trường nhập khẩu là việc khó thực hiện vì giá thành tăng khiến sản phẩm dệt may khó cạnh tranh.
Bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ trong 2 ngày 11-12/8 vừa qua chưa ảnh hưởng trong ngắn hạn nhưng về lâu dài việc phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ khuyến khích doanh nghiệp gia tăng việc nhập khẩu nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc.
Đồng quan điểm, trao đổi với BizLIVE, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho biết, ngay lập tức dệt may chưa chịu ảnh hưởng tuy nhiên, những đơn hàng sắp tới đây áp tỷ giá mới nguyên liệu sẽ rẻ đi rất nhiều.
"Doanh nghiệp sẽ có được lợi ích trước mắt tuy nhiên sẽ là bất lợi về lâu dài vì các FTA Việt Nam đã ký kết với một số quốc gia, khu vực quy định khắt khe về xuất xứ để hưởng ưu đãi về thuế suất, cụ thể như trường hợp TPP có thể được ký kết trong thời gian tới đây", ông Doanh phân tích.
Theo đó, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, điều các doanh nghiệp dệt may cần làm là tập trung đầu tư tự sản xuất nguyên phụ liệu với mức giá cạnh tranh nhất thay vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc như hiện nay.
Bà Dung cũng cùng chung khuyến cáo trên để hướng doanh nghiệp dệt may Việt Nam đầu tư nội địa hoá, đáp ứng điều kiện về xuất xứ để được hưởng ưu đãu về thuế trong các Hiệp định thương mại.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty May Garmex chia sẻ trên Vnexpress rằng công ty dự kiến chi hơn 20 triệu USD để nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc tuy nhiên việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ cũng tạo áp lực cho doanh nghiệp khi các đối tác mua hàng chỉ định nguồn nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, thấy hàng Trung Quốc giảm giá sẽ ép giá hàng từ Việt Nam.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng lo ngại sản phẩm từ châu Âu, Nhật Bản ngày càng khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc nên dù hưởng lợi từ FTA với EU với mức thuế giảm từ 9% về 0% trong 7 năm nhưng ưu đãi có thể "không còn gì hết" do Trung Quốc phá giá đồng tiền ở mức 3%.
Ngay trong FTA Việt Nam - EU, phía EU cũng đề ra quy tắc xuất xứ tương đối ngặt nghèo với Việt Nam trong bối cảnh nguyên phụ liệu dệt may đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đó là muốn hưởng thuế suất ưu đãi, dệt may phải đảm bảo quy chế chuyển đổi nguồn gốc xuất xứ kép tức là ít nhất vải và việc may mặc phải được làm ở Việt Nam.
Phía EU cũng cho phép áp dụng quy chế cộng dồn nếu đối tác đó thuộc FTA của Việt Nam và EU, nguồn nguyên liệu coi như của Việt Nam, chẳng hạn như Hàn Quốc nhưng không có Trung Quốc.
BizLIVE