MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều chỉnh phương án cổ phần hóa ACV

Đây là điểm đáng chú ý nhất trong hàng loạt những thay đổi liên quan đến cổ phần hóa (CPH) vừa được Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) trình Bộ GTVT phê duyệt.

Điều chỉnh tăng 700 đồng/cổ phần

Trong Tờ trình phê duyệt giá khởi điểm đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty mẹ - ACV vừa gửi Bộ GTVT, doanh nghiệp này đề nghị Bộ GTVT xem xét, phê duyệt giá khởi điểm của ACV là 11.800 đồng/cổ phần. “Mức giá này cao hơn 700 đồng/cổ phần so với phương án CPH trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4 - 11.100 đồng/cổ phần”, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐTV ACV cho biết.

Trong trường hợp giá khởi điểm mới được phê duyệt, ACV có thể thu thêm được ít nhất 544,6 tỷ đồng nếu IPO thành công.

Lý do dẫn đến sự thay đổi này, theo ông Nguyễn Nguyên Hùng là do thời điểm lập báo cáo tư vấn giá khởi điểm lần đầu là tháng 4/2015. Theo đó, dòng tiền sử dụng trong mô hình định giá cổ phiếu dựa vào chiết khấu dòng tiền tự do toàn doanh nghiệp (FCFF) được xây dựng là cho giai đoạn 5 năm từ 2015 - 2019. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại do đã sắp kết thúc năm 2015, để đảm bảo kế hoạch kinh doanh vừa được ACV cập nhật, dòng tiền sử dụng trong mô hình FCFF sẽ căn cứ trên kế hoạch 5 năm của giai đoạn 2016 - 2020.

Theo cách tính cũ, tổng doanh thu của ACV năm 2019 ước đạt 10.527 tỷ đồng với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 2.164 tỷ đồng. Theo kế hoạch kinh doanh cập nhật, lợi nhuận trước thuế của ACV vào năm 2020 sau điều chỉnh là đạt khoảng 2.404 tỷ đồng, trong khi tổng doanh thu là 10.546 tỷ đồng, lần lượt giảm 139 tỷ đồng và 391 tỷ đồng so với trước điều chỉnh.

Lý giải về con số thay đổi này, ACV đề cập đến việc một số lĩnh vực, dịch vụ tại một số cảng hàng không trong tương lai sẽ được tách độc lập khỏi hoạt động kinh doanh của Tổng công ty, trong đó có việc nhà ga quốc tế mới Đà Nẵng do Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng đầu tư đi vào hoạt động từ quý IV/2017.

Chọn nhà đầu tư chiến lược sau IPO

Không chỉ đề nghị điều chỉnh giá khởi điểm đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, ACV cũng đề nghị cập nhật tiêu chí, lộ trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Cụ thể, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược sẽ được Bộ GTVT phê duyệt. Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược sẽ thực hiện sau đấu giá công khai cổ phần lần đầu ra công chúng.

“Dự kiến, ACV sẽ bán cổ phần chiến lược cho nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng các tiêu chí được Bộ GTVT phê duyệt”, ông Hùng nói.

Đến thời điểm này, khá nhiều nhà đầu tư lớn đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với ACV. Trong số này, Tập đoàn Aeroport de Paris là một trong những cái tên đáng chú ý nhất. Không chỉ muốn trở thành đối tác chiến lược, Aeroport de Paris cũng cam kết sát cánh hỗ trợ ACV tiến hành cổ phần hóa thành công.

Được thành lập vào tháng 2/2012 trên cơ sở sáp nhập ba tổng công ty cảng hàng không miền Bắc, miền Nam, miền Trung, ACV là một trong những DN có quy mô vốn lớn nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. ACV đang khai thác, quản lý 22 cảng hàng không dân dụng, ba công ty con. Bên cạnh đó, DN này còn góp vốn tại 10 công ty cổ phần - tất cả đều có chung lĩnh vực cung cấp dịch vụ vận tải mặt đất.

Theo phương án CPH đã được phê duyệt, ACV sẽ CPH theo hình thức kết hợp, vừa bán một phần vốn Nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với quy mô vốn điều lệ là 22.430.985 tỷ đồng, tương đương 2.243 triệu cổ phần mệnh giá 10 nghìn đồng.

Trong số này, Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ, tương đương với hơn 1.682 triệu cổ phần. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là hơn 31,3 triệu cổ phần, chiếm 1,4% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn là hơn 3 triệu cổ phần, tương đương 0,13% vốn điều lệ.

Cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược là hơn 448 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn điều lệ. Số cổ phần bán đấu giá công khai là hơn 77,8 triệu cổ phần, tương đương 3,47% vốn điều lệ. Việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng được thực hiện theo phương thức bán đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM.

 

Theo Thanh Bình

Báo Giao thông

Trở lên trên