Điểm đáng chú ý của CPI tăng thấp
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2015 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,68% so với tháng 12/2014.
- 22-07-2015TP HCM: Xăng, gas giảm giá, CPI tháng 7 vẫn tăng nhẹ 0,11%
- 22-07-2015Hà Nội: CPI tháng 7 tiếp tục tăng do điện, xăng
- 29-06-2015“CPI tăng thấp có những điểm tích cực”
Đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong 10 năm qua.
Từ diễn biến và những yếu tố tác động đến CPI trong 7 tháng qua và lường tính các yếu tố tác động đến CPI trong những tháng còn lại, một số chuyên gia dự đoán CPI cả năm chỉ tăng vào khoảng 1,8%.
Nếu dự đoán trên là đúng thì CPI năm 2015 có một số điểm nhấn rất đáng chú ý.
Thứ nhất, CPI năm nay thấp hơn năm 2014 (1,84%) và thấp nhất tính từ năm 2004 đến nay; thấp xa mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra cho cả năm (5%). Đây được coi là kết quả kép mà không phải giai đoạn nào, năm nào kinh tế nước ta cũng đạt được.
Thứ hai, đây là năm thứ 2 liên tiếp CPI tăng với tốc độ thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP, điều mà trong mấy chục năm qua mới có.
Thứ ba, tác động của việc tăng thấp của CPI cũng là một điểm nhấn rất đáng quan tâm. Đối với người tiêu dùng nói chung, nhất là người nghèo, cận nghèo, người gặp rủi ro do bệnh tật, thiên tai, tai nạn, người bị thiếu hoặc mất việc làm... được hưởng lợi do giá tiêu dùng tăng thấp, đặc biệt là giá lương thực - mặt hàng thiết yếu nhất, đã giảm so với tháng 12/2014 và bình quân 7 tháng qua giảm so với cùng kỳ năm 2014.
Đối với các nhà đầu tư, sản xuất kinh doanh, tuy CPI tăng thấp có thể làm cho việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, nhưng cũng tạo điều kiện để họ tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng thương mại, thu hút vốn trung, dài hạn trên thị trường chứng khoán, hạ được nợ xấu để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, đón cơ hội phục hồi. Tốc độ tăng trưởng dòng vốn vào chứng khoán, tăng trưởng tín dụng vào thị trường bất động sản đã có tác động làm cho 2 thị trường này ấm nóng lên, góp phần giải quyết nợ xấu.
Việc tăng thấp của CPI sẽ làm cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý điều hành kinh tế vĩ mô yên tâm hơn với việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, có điều kiện để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, như nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, giảm nợ xấu, tăng trưởng tín dụng…
Trong diễn biến các yếu tố của lạm phát có sự khác lạ. Cụ thể, về yếu tố cơ bản là cung-cầu, thông thường, tổng cầu tăng cao hơn tổng cung thì lạm phát phải tăng. Thực tế trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng tích lũy tài sản là 6,85%, đóng góp 2,25 điểm phần trăm, tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng là 8,7%, đóng góp 7,74 điểm phần trăm. Cộng hai khoản này là 9,99 điểm phần trăm.
Như vậy, tốc độ tăng và tổng số điểm phần trăm đóng góp vượt rất xa tốc độ tăng GDP (6,28%). Sử dụng GDP tăng cao hơn sản xuất như vậy, đúng ra sẽ dẫn đến CPI tăng cao, nhưng thực tế CPI lại tăng thấp. Nguyên nhân là tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhập khẩu cao lên, nhập siêu trở lại (6 tháng là 3,07 tỉ USD).
Về yếu tố chi phí đẩy, tỉ giá qua 5 tháng đã 2 lần được điều chỉnh tăng và qua 6 tháng, tỉ giá VND/USD đã tăng 1,92%. Giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất 6 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 2,2%. Thực tế CPI tăng thấp hơn các chỉ số trên có một phần quan trọng là do giá nhập khẩu tính bằng USD giảm so với cùng kỳ năm trước (6 tháng giảm 3,64%).
Về yếu tố trực tiếp của lạm phát là tiền tệ, tăng trưởng tín dụng mang dấu dương ngay từ đầu năm và tính chung 6 tháng qua đã cao gần gấp 3 lần so với tốc độ tăng của cùng kỳ. Tăng trưởng tổng phương tiện cao hơn, tăng trưởng tiền gửi thấp hơn tăng trưởng tín dụng, theo đó, đúng ra CPI phải tăng lên, nhưng thực tế lại tăng thấp hơn; phải chăng có một phần dòng tiền đã vào chứng khoán và bất động sản mà chưa vào thị trường hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng trong chu kỳ này?
Đặc điểm trên cũng cho thấy tính thị trường của nền kinh tế đã rõ hơn.
Tuy nhiên, có vấn đề cần lưu ý, đó là thị trường chứng khoán có số điểm ngày cuối năm (năm 2015 là tháng 7 so với tháng 12 năm trước) so với đầu năm đã tăng trong 4 năm liền (năm 2012 tăng 17,7%, năm 2013 tăng 22%, năm 2014 tăng 8,1%, gần 7 tháng 2015 tăng 14,7%).
Thị trường bất động sản bớt lạnh từ cuối 2014, ấm dần vào đầu năm 2015, gần đây chững lại do nguồn cung tăng, do chứng khoán lên điểm. Nếu chứng khoán vượt qua đỉnh sang dốc bên kia thì bất động sản sẽ tăng nóng, thậm chí sẽ trở thành "bong bóng" vào năm 2016 như đã xảy ra vào năm 2001 và năm 2007.