MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì sẽ xảy ra nếu 119 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hợp lại thành một Siêu Công ty?

"Super Company" - công ty giả định hình thành từ 119 tập đoàn, tổng công ty do nhà nước sở hữu 100% vốn sẽ có doanh thu 75 tỷ USD - tương đương với doanh thu năm 2014 của Sony hay Panasonic.

Chính phủ vừa có báo cáo trình Quốc hội về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ.

Theo đó, tại thời điểm kết thúc năm 2014, có 781 doanh nghiệp do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ, bao gồm:

+ 8 tập đoàn kinh tế (bao gồm cả số liệu của Vinatex – cổ phần hóa trong năm 2014)

+ 85 tổng công ty (không bao gồm Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy)

+ 26 công ty TNHH một thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con

+ 277 công ty TNHH một thành viên hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích

+ 385 công ty TNHH một thành viên độc lập hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại

Báo cáo của Chính phủ cho thấy 781 doanh nghiệp trên có tổng tài sản theo số liệu hợp nhất năm 2014 đạt trên 3,1 triệu tỷ đồng; tổng doanh thu 1,7 triệu tỷ đồng và tổng lợi nhuận 188 nghìn tỷ đồng.

Đóng góp phần lớn vào kết quả này là 119 tập đoàn, tổng công ty và công ty mẹ - con (gọi chung là Tập đoàn, Tổng Công ty). Nếu hợp nhất 119 tập đoàn, tổng công ty thành 1 công ty duy nhất – có thể tạm gọi là Super Company – ta sẽ có 1 doanh nghiệp bao trùm phần lớn các ngành kinh tế trọng yếu của đất nước.

Super Company có tổng tài sản đạt 2,7 triệu tỷ đồng (127 tỷ USD), vốn chủ sở hữu 1,1 triệu tỷ đồng (52 tỷ USD) cùng tổng doanh thu 1,6 triệu tỷ đồng (75 tỷ USD).

So với các doanh nghiệp toàn cầu, doanh thu của Super Company tương đương với 2 tập đoàn điện tử hàng đầu của Nhật Bản là Sony và Panasonic, nhỉnh hơn 1 chút so với Airbus, Pepsi.

Về mặt tài sản, tài sản của Super Company tương đương với PVN, Vinacomin và 3 ngân hàng Vietinbank, BIDV và Vietcombank cộng lại. Với tổng tài sản 760 nghìn tỷ đồng, PVN đóng góp 27% tổng tài sản của Super Company, trong khi đó, EVN chiếm 9%, Vinacomin chiếm 5%

 

Tổng tài sản của Super Company bằng PVN, Vinacomin cộng với 3 ngân hàng BIDV, Vietcombank và Veitibank
Tổng tài sản của Super Company bằng PVN, Vinacomin cộng với 3 ngân hàng BIDV, Vietcombank và Veitibank

 

 

Tổng vốn chủ sở hữu của Super Company đạt 1,1 triệu tỷ đồng – tương đương vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam – chiếm 40% tổng nguồn vốn. Các khoản nợ phải trả đạt 1,6 triệu tỷ đồng, trong đó:

+ Nợ vay ngắn và dài hạn tại các tổ chức tín dụng là 553 nghìn tỷ đồng

+ Nợ vay nước ngoài 381 nghìn tỷ đồng (gần 18 tỷ USD)

++ Vay lại vốn ODA của Chính phủ là 118 nghìn tỷ

++ Vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh 124 nghìn tỷ

++ Vay nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả: 92 nghìn tỷ

 

Cơ cấu nguồn vốn
Cơ cấu nguồn vốn

 

Tổng doanh thu của Super Company đạt 1,57 triệu tỷ đồng, tương đương 1/2 GDP của Việt Nam. Sau khi Mobifone tách khỏi VNPT, hiện chỉ còn 4 tập đoàn có doanh thu trên 100 nghìn tỷ, gồm PVN, Petrolimex, EVN và Viettel. Trong đó, Petrolimex đã cổ phần hóa. Tổng doanh thu của 3 tập đoàn còn lại đạt 763 nghìn tỷ đồng, tương đương ½ tổng doanh thu của Super Company.

 

Bên cạnh số đông doanh nghiệp có lợi nhuận và lợi nhuận cao, Báo cáo của Chính phủ cho thấy vẫn có 10 tập đoàn, tổng công ty phát sinh lỗ trong năm 2014, với tổng mức lỗ hợp nhất là 4.901 tỷ đồng. Những công ty lỗ nhiều nhất là Vinalines, Vinafood 2, Tổng Công ty 15 – BQP, công ty Haprosimex – Hà Nội.

Trong khi đó, số doanh nghiệp có lỗ lũy kế là 19, với tổng mức lỗ hơn 24.400 tỷ.

 


PVN và Viettel có lợi nhuận vượt trội cho các doanh nghiệp còn lại

PVN và Viettel có lợi nhuận vượt trội cho các doanh nghiệp còn lại

 

Số liệu của Super Company chỉ tính đến những doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100%, không tính đến các doanh nghiệp đã cổ phần hóa. Do vậy khi tiến trình cổ phần hóa đang diễn ra mạnh mẽ thì quy mô của Super Company sẽ “hao hụt” dần theo thời gian.

Như trong năm 2014 đã có 15 tổng công ty nhà nước chuyển thành công ty cổ phần, với những cái tên đáng chú ý có Vietnam Airlines, Cienco 1, Cienco 4, Vocarimex, Vinamotor, Hancorp, Seaprodex…

Kiến Khang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên