MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dòng vốn ngoại vào Việt Nam: Khi nào “ngừng chảy”?

Rất có thể, Việt Nam sẽ “thua” trong cuộc chiến thu hút FDI khi các ông lớn tiếp tục dịch chuyển đến các quốc gia có lợi thế chi phí rẻ hơn…

Theo nhận định của Financial Times, dòng vốn FDI đang chảy mạnh vào Việt Nam nhưng Việt Nam lại chưa biết đầu tư đúng đắn cho việc nâng cao kỹ năng của người lao động.

Số liệu ghi nhận của fDi Market – một bộ phận nghiên cứu của Financial Times cho biết, năm 2014 số dự án FDI đăng ký đầu tư vào Việt nam tăng gấp đôi; với 241 dự án đầu tư mới và vốn đăng ký đạt 13,1 tỷ USD – cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2013, Việt Nam thu hút 118 dự án với vốn đăng ký đạt 10 tỷ USD.

Trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn thứ 2 sau Trung Quốc.

Xét về hiệu quả của dòng vốn FDI, năm 2008 vẫn là năm Việt Nam đạt mức tăng trưởng kỷ lục về số dự án FDI với 350 dự án và vốn đăng ký 42 tỷ USD. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng suy thoái toàn cầu sau đó đã khiến dòng vốn FDI vào Việt Nam sụt giảm.

Số dự án FDI đầu tư mới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2014 (Nguồn: Financial Times).
Số dự án FDI đầu tư mới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2014 (Nguồn: Financial Times).

Trong khi đó, theo dự báo của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), dòng vốn FDI chảy vào sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn. Năm 2014, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6%, là mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2011; trong đó ngành sản xuất tăng 8,5% nhờ đóng góp lớn của khối doanh nghiệp FDI.

Kể từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã thu hút 2.394 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó gần 50% vốn đầu tư "đổ" vào các ngành sản xuất.

Vơi 554 dự án, Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam; sau đó là Hoa Kỳ (288 dự án), Hàn Quốc (187 dự án), Trung Quốc (64 dự án)…

Chi phí lao động tăng cao tại Trung Quốc trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho các thị trường mới nổi ở châu Á nâng cao sức cạnh tranh trong ngành sản xuất.

Cuối năm 2014, P&G – Tập đoàn bán lẻ hàng đầu nước Mỹ đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất dao cạo Gillette trị giá 100 triệu USD tại tỉnh Bình Dương, Việt Nam. Trong khi đó, Unilever cũng tiết lộ sẽ “rót” thêm 40 triệu USD vào nhà máy sản xuất chất tẩy rửa tại Bắc Ninh.

Số liệu thống kê của fDi cho thấy, 60% công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam bị hấp dẫn bởi tiềm năng tăng trưởng của thị trường này bao gồm khả năng tiếp cận thị trường tốt, mạng lưới khách hàng đa dạng và môi trường kinh doanh thuận lợi. Có 10% coi chi phí nhân công rẻ là cơ hội.

Chi phí lao động tại Việt Nam thấp hơn Malaysia, Thái Lan, Philippine và tương đương với Indonesia – một quốc gia có thị trường rộng lớn nhưng môi trường kinh doanh lại khá phức tạp.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam từ năm 2003 đến nay (Nguồn: Financial Times).

Dòng vốn FDI vào Việt Nam từ năm 2003 đến nay (Nguồn: Financial Times).

Theo khảo sát của fDi, chi phí để mở 1 nhà máy sản xuất thiết bị hóa chất hoặc công nghệ dược phẩm tại Việt Nam rẻ hơn Trung Quốc tới 50%. Tương tự, chi phí để xây dựng một nhà máy sản xuất tự động tại Việt Nam cũng rẻ hơn Trung Quốc khoảng 40%.

Financial Times nhận định, nếu nhìn vào trung hạn có thể thấy bức tranh đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khá tươi sáng. Thị trường nội địa tiếp tục phục hồi với mức tăng trưởng GDP dự báo cho năm 2015 là 6,1% và tăng lên 6,2% vào năm 2016.

“Tuy nhiên, về dài hạn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như một số nền kinh tế khi mà thành công của việc thu hút FDI chủ yếu dựa trên cạnh tranh nhờ chi phí nhân công thấp” – Financial Times nhận định.

Theo đó, việc tối đa hóa lợi ích chi phí sẽ không thể bền vững nếu nó không được thực hiện đồng thời với việc đầu tư nâng cao kỹ năng tay nghề của người lao động và cải thiện công nghệ sản xuất. Và rất có thể, Việt Nam sẽ “thua” trong cuộc chiến thu hút FDI khi các ông lớn tiếp tục dịch chuyển đến các quốc gia có lợi thế chi phí rẻ hơn.

Nguyệt Quế

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên