MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp bảo hiểm đóng thuế gần 5.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại cuộc họp báo chuyên đề về bảo hiểm ngày 29-3, trong giai đoạn 2011-2015, thị trường bảo hiểm đã đóng góp gần 5.000 tỷ đồng tiền thuế Thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách Nhà nước.

Tại buổi họp báo, ông Doãn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) trình bày tóm tắt báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2015 và các giải pháp thực hiện giai đoạn 2016-2020.

Tính đến nay thị trường bảo hiểm Việt Nam có 61 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Trong đó có 29 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ, 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài, 17 DNBH nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Trong giai đoạn này, tổng giá trị được bảo hiểm là 11,7 triệu tỷ đồng. Trong đó tổng giá trị kinh tế tài sản được bảo hiểm của khu vực doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế lên tới hơn 10 triệu tỷ đồng, tổng giá trị được bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ là 1 triệu tỷ đồng; trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, sức khỏe là 700 nghìn tỷ đồng.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy hiện nay gần 10 triệu người có bảo hiểm y tế, sức khỏe (6 triệu bảo hiểm nhân thọ, 4 triệu bảo hiểm phi nhân thọ); 12 triệu học sinh được bảo hiểm sức khỏe, tai nạn (tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm gần 60%); 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không (tỷ lệ thâm nhập 100%)…

Với kết quả nêu trên, trong giai đoạn 2011-2015, thị trường bảo hiểm đã hoàn thành các chỉ tiêu phát triển đặt ra tại Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2015.

Ngoài ra, đến hết năm 2015, tổng doanh thu toàn thị trường ước đạt hơn 84 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 2% GDP, mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 16%/năm.

Tính đến 2015, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhằm sẵn sàng đáp ứng nghĩa vụ chi trả bồi thường cho khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt hơn 130 nghìn tỷ đồng, tăng 2,36 lần so với năm 2010.

Tổng nguồn vốn đầu tư trở lại nền kinh tế của các DNBH ước đạt trên 157 nghìn tỷ đồng, tăng xấp xỉ 2 lần so với năm 2010.

Trong giai đoạn này, thị trường bảo hiểm đã đóng góp gần 5.000 tỷ đồng tiền thuế Thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách Nhà nước.

Trong đó, các DNBH nhân thọ đóng góp hơn 2.500 tỷ đồng, các DNBH phi nhân thọ đóng góp hơn 2.400 tỷ đồng, các DNBH đã góp phần ổn định kế hoạch huy động nguồn thu, hỗ trợ đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước.

Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Doãn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng: Bảo hiểm là “bà đỡ” nền kinh tế. 80% công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình lớn của Nhà nước được bảo hiểm. Đương nhiên khi có rủi ro, các DNBH sẽ nhanh chóng giải quyết cho cá nhân, tổ chức tham gia bảo hiểm, lưu ý là việc giải quyết phải phù hợp với hợp đồng giữa hai bên.

Ông Tuấn cũng nhắc lại vụ việc bất ổn xảy ra với các nhà đầu tư nước ngoài ở Hà Tĩnh, Bình Dương, Đồng Nai vào tháng 5-2014. “Khi có rủi ro với các nhà đầu tư nước ngoài, DN bảo hiểm là một trong những người đầu tiên đến hiện trường và đồng hành cùng nhà đầu tư khắc phục các thiệt hại” – ông Tuấn nói.

Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm bổ sung: Sau khi xảy ra sự kiện với các nhà đầu tư nước ngoài vào tháng 5-2014, ngày 6-6 Bộ trường Bộ Tài chính đã có mặt ở hiện trường. Khi đó, số tiền bảo hiểm dự tính sẽ bồi thường là 144 tỷ đồng. Nhưng đến nay tổng cộng có 916 tỷ đồng bảo hiểm bồi thường cho các DN bị thiệt hại ở 3 tỉnh, không chỉ góp phần làm an lòng nhà đầu tư, mà còn khôi phục niềm tin của nhà đầu tư.

Ngoài ra, với các chương trình bảo hiểm nhà nước như bảo hiểm thủy sản, bảo hiểm nông nghiệp… các DNBH sẵn sàng đáp ứng yêu cầu bồi thường bảo hiểm và trả tiền bảo hiểm khi có thiệt hại xảy ra cho khách hàng.

Theo Lương Bằng

Báo Hải Quan

Trở lên trên