MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp nhà nước lộ nhiều “bệnh” sau kiểm toán

Kết quả kiểm toán chỉ ra hàng loạt yếu kém, sai sót của các tập đoàn, tổng công ty...

Kết quả kiểm toán cho thấy, hầu hết tổng công ty có hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản còn dự án chậm tiến độ làm giảm hiệu quả đầu tư, một số dự án phải tạm dừng triển khai gây lãng phí vốn đầu tư.

Tại buổi họp báo sáng 10/7, đại diện lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho hay kết quả kiểm toán năm 2014 do cơ quan này thực hiện đã chỉ ra hàng loạt yếu kém, sai sót của các tập đoàn, tổng công ty trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nợ khó đòi lớn

Theo đó, trong năm 2014, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2013 của 249 doanh nghiệp, thuộc 38 tập đoàn, tổng công ty và 3 chuyên đề về “Tình hình thực hiện chính sách giá xăng dầu giai đoạn 2011-2013 tại các đầu mối nhập khẩu xăng dầu”; “Việc quản lý, sử dụng tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà và tiền đọc tài liệu để lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2003-2013” và chuyên đề “Tình hình thực hiện cơ chế mua tạm trữ lúa, gạo giai đoạn 2012-2013”.

Các tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán có tổng tài sản, nguồn vốn đến 31/12/2013 là 507.998 tỷ đồng; tổng doanh thu, thu nhập 384.325 tỷ đồng; lợi nhuận trong công ty liên kết, liên doanh 7.000 tỷ đồng; tổng chi phí 333.153 tỷ đồng, lợi nhuận kế toán trước thuế 58.172 tỷ đồng.

Nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn, một số đơn vị xóa nợ phải thu khi chưa đủ điều kiện; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định; chưa xây dựng và ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu; nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi; nợ trong nội bộ một số doanh nghiệp với số tiền lớn, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.

Một số tổng công ty đầu tư tài sản sử dụng không hiệu quả gây lãng phí vốn, thua lỗ; nhiều tổng công ty đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, nhiều doanh nghiệp có vốn góp của các tổng công ty kinh doanh thua lỗ, mất vốn,, phá sản, ngừng hoạt động hoặc làm thủ tục giải thể...

Sử dụng đất không hiệu quả

Đáng chú ý, kết quả kiểm toán cho thấy, hầu hết tổng công ty có hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản còn dự án chậm tiến độ làm giảm hiệu quả đầu tư, một số dự án phải tạm dừng triển khai gây lãng phí vốn đầu tư, như Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1 đầu tư vào dự án cao ốc Valta của Công ty Cơ khí Xây dựng Tân Định xây từ năm 2006 vẫn chưa hoàn thành. Tập đoàn Hoá chất (Vinachem) đầu tư dự án DAP Hải Phòng chậm tiến độ hơn 60 tháng.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng có dự án Đài Kiểm soát không lưu cảng hàng không Liên Khương kéo dài thêm hai năm, đồng thời dự án cơ sở làm việc của các đơn vị khu vực sân bay Gia Lâm kéo dài hơn một năm. Công ty mẹ - Tổng công ty Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam đầu tư dự án khu đô thị mới Cầu Giấy phát sinh từ năm 2006 cũng chưa được triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Tổng công ty Vận tải Hà Nội có dự án nhà văn phòng làm việc và cho thuê tại 23 Hàn Thuyên của Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ hàng hóa Hà Nội; Công ty mẹ - SATRA có dự án nhà ở và trung tâm thương mại tại số 62 Tân Thành, quận Tân Phú, Tp.HCM; Tổng công ty Giấy Việt Nam có dự án nhà máy bột giấy Phương Nam…

Kiểm toán Nhà nước xác nhận, do vốn chủ sở hữu thấp nên nhiều đơn vị hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao.

Đơn cử như Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng số 1 là 31,33 lần, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng khoáng sản Miền Trung 3,26 lần; Tổng công ty 36 - Bộ Quốc phòng: Công ty mẹ 11,22 lần, Công ty TNHH Một thành viên 36.55 là 15,62 lần; CIENCO 4 - Công ty Cổ phần 482 là 7,8 lần, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 492 là 5 lần, Công ty Cổ phần Xây dựng công trình giao thông 419 là 5,7 lần...

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, hầu hết các đơn vị phản ánh không đúng doanh thu, chi phí; một số đơn vị chưa tuân thủ đầy đủ quy định về đăng ký giá bán hàng hoặc chương trình khuyến mại với cơ quan quản lý Nhà nước.

Một số tổng công ty chưa sử dụng hết diện tích đất đang quản lý, cùng với đó là tình trạng sử dụng đất không hiệu quả, bị lấn chiếm, tranh chấp; chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý và chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất với nhà nước.

Riêng đối với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), đến 31/12/2013, SCIC đã nộp ngân sách đối với cổ tức được chia năm 2013 là 5.790 tỷ đồng, nhưng chưa phối hợp với các cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại một số công ty cổ phần để đôn đốc nộp cổ tức được chia năm 2013 vào ngân sách, xác định thiếu lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách là 217,2 tỷ đồng.

Theo Đình Quý

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên