MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án 20 tỷ USD - Formosa: Đâu là bài toán đầu tư?

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã “cho” quá nhiều để thu hút được một dự án đầu tư lớn. Trong bài toán đầu tư này, Việt Nam được gì và mất gì?

Dự án đầu tư 20 tỷ USD của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đang có tác động mạnh đến phát triển Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh.

Được và mất

Ông Thái Chi Pháp, Giám đốc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) cho biết, Việt Nam là một thị trường thép đầy tiềm năng, thuận lợi về vị trí địa lý, tận dụng lợi thế về thuế quan khu vực ASIAN. Dự án FHS thành trung tâm sản xuất gang thép tầm cỡ quốc tế. Và nhiều dự án sẽ “đổ bộ” đầu tư vào khu vực này để “ăn theo”.

Nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh có công suất hơn 10 triệu tấn/năm ở giai đoạn I và hơn 20 triệu tấn/năm ở giai đoạn II. Tổng mức đầu tư cho nhà máy này cho giai đoạn giai đoạn I với nguồn vốn khoảng 10 tỷ USD. Đây là dự án trọng điểm làm trung tâm cung ứng nguyên vật liệu, kết hợp với các ngành sản xuất khác, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế vùng.

Để phục vụ triển khai dự án, thời gian qua tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 2.000 ha đất, với 11.825 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức ảnh hưởng; thực hiện di dời 58 nhà thờ, gần 15 nghìn ngôi mộ lên khu tái định cư.

Tổng diện tích thực hiện dự án hơn 3.300 ha, bao gồm cả diện tích mặt biển (cảng Sơn Dương), thời gian thuê đất là 70 năm, tiền thuê đất hơn 96 tỷ đồng cho toàn bộ thời gian thuê. Với con số này, nhiều chuyên gia cho rằng “như cho không”.

Dự án được miễn tiền thuê đất 15 năm, thuế thu nhập doanh nghiệp 10% từ năm có thu nhập chịu thế (thông thường là 25%), 4 năm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.

Để đảm bảo ổn định đầu tư, tại khoản 7, Điều 4, Hợp đồng thuê đất ngày 6/2/2009 quy định “đảm bảo không thu hồi đất vì mục đích cộng đồng và phát triển kinh tế hay các mục đích khác; Đối với thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, hai bên tiến thảo luận đi đến thống nhất bồi thường dứt điểm trước khi thực hiện”. Như vậy, dự án không bị chi phối bởi Điều 38, Luật Đất đai 2003.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã “cho” quá nhiều để thu hút được một dự án đầu tư lớn. Trong bài toán đầu tư này, Việt Nam được gì và mất gì? Với một dự án thép ưu đãi lớn như thế đã đặt doanh nghiệp thép Việt Nam vào thế cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà.

…và những toan tính trên sân nhà

Ông Lê Phước Vũ, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, ngành thép Việt Nam đang nằm trong thế trận cạnh tranh sống còn. Nguy cơ bị thôn tính rất cao.

Ngành thép là ngành chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong quá trình công nghiệp hóa. Nếu ngành thép phụ thuộc hoàn toàn vào nhà đầu tư nước ngoài thì tiến trình công nghiệp hóa còn nhiều gian nan vì phụ thuộc. Trong bài toán đầu tư này, đối tượng được chọn để hưởng ưu đãi, dù “con ruột” hay “con nuôi” cũng hơn là chọn “người ngoài”.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại, để khắc phục thực trạng “thua ngay trên sân nhà”, giải pháp cơ bản là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đầu tư đổi mới công nghệ và phương thức kinh doanh, thiết lập quan hệ hợp tác chiều dọc để tiêu thụ sản phẩm, coi trọng chất lượng, kiểu dáng và giá cả hàng hóa.

Trong bối cảnh này, liệu doanh nghiệp thép Việt Nam có còn cơ hội hay không? “Câu trả lời của chúng tôi là có. Đó là doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung mạnh mẽ vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đồng thời xây dựng đồng bộ lợi thế cạnh tranh”, ông Lê Phước Vũ nói.

Theo Phạm Đình

cucpth

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên