MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án hầm Đèo Cả: Ngóng cơ chế hỗ trợ khủng

Nếu được Thủ tướng Chính phủ thông qua, các nhà đầu tư Dự án Xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả theo hình thức BOT và BT (gọi tắt là Dự án Đèo Cả) sẽ có những cơ chế hỗ trợ vượt khung.

Những cơ chế hỗ trợ thực hiện Dự án Đèo Cả vào loại “khủng”, vừa được Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất Thủ tướng Chính phủ, đang thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của cộng đồng nhà đầu tư hạ tầng trong và ngoài nước.

“Nếu được Chính phủ thông qua, không chỉ nhà đầu tư Dự án Đèo Cả được hưởng lợi, mà việc đầu tư các dự án hạ tầng quy mô lớn theo hình thức BOT, BT sẽ trở nên hấp dẫn hơn khi đã có những tiền lệ ưu đãi mới”, một nhà đầu tư đang ngấp nghé xin vào một dự án đường bộ cao tốc bình luận.

Được biết, thành phần Liên doanh nhà đầu tư Dự án đã có sự thay đổi đáng kể khi vai trò thành viên đứng đầu liên doanh đã được chuyển giao từ Công ty cổ phần BOT Phú Mỹ - PMC sang Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Hancorp. Chưa rõ PMC có tiếp tục tham gia đầu tư nữa không, nhưng trong Tờ trình số 190/BGTVT - KHĐT mà Bộ Giao thông - Vận tải gửi Thủ tướng Chính phủ, Liên danh đầu tư chỉ gồm Hancorp, Mai Linh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, Công ty cổ phần đầu tư Hải Thạch BOT và Công ty cổ phần Á Châu.

Trước đó, vào đầu tháng 1/2012, Bộ Giao thông - Vận tải đã chính thức phê duyệt Dự án Đèo Cả qua Quốc lộ 1 đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên với tổng mức đầu tư 15.603 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng). Trong đó, chi phí xây dựng hầm Đèo Cả dài 3,9 km thực hiện theo hình thức BOT là 10.555 tỷ đồng; chi phí xây dựng đường dẫn, cầu và hầm Cổ Mã theo hình thức BT là 4.509 tỷ đồng; phần vốn ngân sách nhà nước chi cho giải phóng mặt bằng là 539 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Dự án sẽ khởi công vào quý II/2012 và hoàn thành vào quý II/2016.

Theo các chuyên gia, các đề xuất, như cho phép nhà đầu tư được phép kinh doanh các dịch vụ, cơ sở hạ tầng dọc tuyến; độc quyền quảng cáo; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 10 năm kể từ khi có lãi; miễn nghĩa vụ bảo đảm thực hiện hợp đồng Dự án… đã có tiền lệ, thì vẫn còn không ít cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư thuộc diện “chưa từng có”, vượt những khung chính sách được đề cập trong Nghị định 108/2009/NĐ - CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO và BT.

Cụ thể, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bảo lãnh vay vốn thương mại thực hiện Dự án (dự kiến 800 triệu USD), đồng thời áp dụng mức thu phí khởi điểm 2.500 đồng/km/CPU vào năm 2016 khi công trình đưa vào khai thác và được điều chỉnh tăng dần theo từng giai đoạn cho đến năm 2047.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn được tiếp nhận sớm trạm thu phí Bàn Thạch và Ninh An trên Quốc lộ 1, để thu phí hỗ trợ khoản kinh phí mà nhà đầu tư đã bỏ ra trong quá trình chuẩn bị. Cần phải nói thêm rằng, theo quy định, nhà đầu tư chỉ được thu phí sau khi đã đưa công trình vào khai thác.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Mạnh Hùng, ngoài quy mô vốn đầu tư rất lớn, Dự án Đèo Cả còn là công trình đặc biệt quan trọng nằm trong quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam nên cần thiết phải có cơ chế hỗ trợ đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư.

Chưa rõ các nhà đầu tư đón nhận những cơ chế đề xuất của Bộ Giao thông - Vận tải như thế nào, nhưng theo các chuyên gia, với thời gian thực hiện hợp đồng BOT lên tới 35 năm đã cho thấy rủi ro đối với Dự án là không ít.

Trên thực tế, tổng mức đầu tư Dự án dù đã được điều chỉnh tăng gần gấp đôi, từ 8.204 tỷ đồng lên 15.603 tỷ đồng, nhưng chắc chắn chưa phải con số cuối cùng với một nền địa chất phức tạp như Đèo Cả.

Theo Bảo Như

Báo Đầu Tư

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên