MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc chậm do đâu?

Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định khâu vướng mắc nhất, mất nhiều thời gian nhất là giải phóng mặt bằng.

Vì sao Việt Nam chưa có quỹ đầu tư mạo hiểm?

Chiều nay (12/6), tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân, liên quan tới câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo về quỹ đầu tư mạo hiểm ở ta chưa làm được, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Ở Việt Nam hiện nay chưa có quỹ đầu tư mạo hiểm. Mặc dù Luật công nghệ cao có nội dung thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao.

Tuy nhiên, kinh nghiệm của các nước phát triển, ban đầu, các quỹ đầu tư mạo hiểm nhận sự hỗ trợ của nhà nước. Sau này hoạt động đi vào ổn định thì hoàn toàn là đóng góp của các nhà đầu tư. Ở Việt Nam, Luật Ngân sách nhà nước chưa có quy định đến nội dung này. Vì thế việc thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ ở các viện, các trường cho đến thời điểm này chúng ta chưa làm được.

Ông Nguyễn Quân chia sẻ, trong khóa Quốc hội XII, Bộ KHCN từng báo cáo với Quốc hội, cũng có ý kiến của Quốc hội cho rằng, cần phải sửa Bộ luật Hình sự trước khi làm quỹ đầu tư mạo hiểm, tránh cho các nhà khoa học lâm vào cảnh không may mắn khi sử dụng ngân sách nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

“Chính vì thế trong nhiệm kỳ này, chúng tôi đã thí điểm hỗ trợ cho 1 dự án tìm hiểu và lập quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân đầu tiên. Đầu năm 2015, quỹ này được Bộ Nội vụ cấp giấy phép hoạt động, hiện nay đã tài trợ cho 9 nhóm khởi nghiệp của sinh viên các trường ĐH, trong đó có 5 nhóm khởi nghiệp tìm kiếm được nhà đầu tư và họ đã đầu tư cho nhóm này ban đầu khoản 200.000 USD cho một dự án. Nhưng chỉ sau 4 tháng hoạt động, đã có công ty nước ngoài đặt giá mua tới 4 triệu USD” – Bộ trưởng nói.

Ông Nguyễn Quân phát biểu: “Kinh nghiệm cho thấy đầu tư mạo hiểm sẽ đem đến thành công rất lớn. Kinh nghiệm của các tập đoàn như Google, Microsoft đều hình thành từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Chúng tôi rất mong đươc Quốc hội ủng hộ. Sắp tới có thể dùng một phần ngân sách nhà nước hỗ trợ ban đầu cho quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao, sau này khi đi vào hoạt động sẽ hoàn toàn không sử dụng ngân sách nhà nước”.

Dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc chậm do đâu?

Trả lời chất vấn của đại biểu Hoàng Thị Tố Nga về “tốc độ rùa” của khu công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định khâu vướng mắc nhất, mất nhiều thời gian nhất là giải phóng mặt bằng.

Với diện tích 1.600ha theo quy hoạch ban đầu, trước đây là đất của Hà Tây và tỉnh này đề nghị giữ lại những ngôi nhà cổ cho nên đã đề nghị Chính phủ đưa các nhà cổ ra khỏi quy hoạch và bổ sung bù lại vào khu công nghiệp Bắc Phú Cát. Sau đó năm 2008, khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, phương án giải phóng mặt bằng bị phá vỡ vì người dân không chịu nhận tiền đền bù do khung giá đất Hà Nội cao hơn rất nhiều lần so với khung của Hà Tây.

Ông Nguyễn Quân chia sẻ: “Tin mừng là cuối năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã có cơ chế đặc biệt cho khu công nghệ cao Hòa Lạc, áp dụng cơ chế của đại lộ Thăng Long. Đến giờ phút này, toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng đã giải quyết xong. Ngày 26/6 tới đây, Bộ KHCN sẽ khởi công dự án hạ tầng theo vốn ODA, coi như kết thúc giai đoạn giải phóng mặt bằng. Chắc chắn đến năm 2018, khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ đi vào hoạt động đúng với dự kiến ban đầu”./.

Theo Lại Thìn

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên