MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án sân bay Long Thành giảm vốn 2,9 tỷ USD: Còn giảm nữa không?

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, việc nguồn vốn đầu tư dự toán cho dự án sân bay Long Thành giảm 2,9 tỷ USD chứng tỏ việc lập “siêu dự án” trên còn sơ sài, tính toán chưa đầy đủ, khách quan, khoa học.

Và điều quan trọng nữa là liệu 15,8 tỷ USD có phải là con số cuối cùng, hay đến khi thực hiện lại đội vốn tăng cao như nhiều công trình giao thông khác?

Nay giảm, mai liệu có tăng?

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, sở dĩ vốn giảm vì trong giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi, khái toán chi phí được lập trên cơ sở suất đầu tư nên độ chính xác chưa cao. Sau khi rà soát và tính toán chi tiết hơn trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án có quy mô, thu hẹp lại diện tích thu hồi nên giá trị khái toán rà soát dự án lần này là 15,8 tỷ (thay cho mức 18,7 tỷ USD trước đó).

Bình luận về việc trên, Tiến sĩ (TS)Trần Du Lịch, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc giảm trên là hoàn toàn phù hợp. Bởi theo tính toán, diện tích đất sử dụng lần này so với báo cáo trước đã giảm hơn 2.000ha nên tiền đền bù, giải phóng mặt bằng giảm mạnh. Cùng với đó, thay vì làm 2 đường hạ cất cánh song song trong giai đoạn 1, thì nay chỉ sẽ chỉ làm 1 đường hạ cất cánh khiến chi phí đầu tư giảm theo.

“Tất cả những cái đó khiến nguồn vốn đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giảm khoảng gần 3 tỷ USD. Việc giảm này theo tôi là phù hợp với tình hình thực tế. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc triển khai dự án theo phương án trên”, ông Lịch thể hiện quan điểm.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tính toán, lập dự án, TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc giảm này chứng tỏ báo cáo lần trước khi trình ra Quốc hội đã không được chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá thiếu đầy đủ, khách quan, khoa học. Vì thế, sau khi bị các chuyên gia, dư luận phản biện, Bộ GTVT mới tiếp thu và điều chỉnh lại.

“Liệu đây có phải là sự điều chỉnh cuối cùng, hay mai này sẽ lại điều chỉnh tiếp? Và liệu rồi tới đây, khi dự án được thông qua, triển khai thực hiện có gì để đảm bảo rằng tổng vốn đầu tư sẽ không tăng trở lại. Tất cả những cái đó cần phải được làm rõ”, TS Nguyễn Thiện Tống đề nghị.

Bán sân bay nên đấu giá công khai

Ủng hộ chủ trương bán các sân bay nhỏ để lấy nguồn vốn xây dựng sân bay Long Thành, nhưng ông Trần Du Lịch cho rằng, cần phải công khai điều kiện để được tham gia nhượng quyền quản lý cảng hàng không cho các doanh nghiệp biết. Nếu có nhiều doanh nghiệp muốn tham gia thì phải tổ chức đấu giá công khai, minh bạch. Ai có điều kiện tốt, bỏ giá cao thì trúng.

Ông Lịch cũng cho rằng nên ưu tiên nhượng quyền quản lý cảng hàng không cho các doanh nghiệp trong nước. Chứ nhượng quyền cho doanh nghiệp nước ngoài sẽ có nhiều bất lợi. Vì vấn đề này không chỉ liên quan đến việc kinh doanh mà còn liên quan đến việc bảo đảm an ninh, an toàn trật tự.

TS Trần Du Lịch cũng đề nghị cân nhắc việc nhượng quyền khai thác cảng hàng không cho một hãng hàng không nào đó. “Chúng ta phải tách bạch hãng hàng không với cơ quan quản lý cảng hàng không. Chứ nếu để hãng quản lý cảng hàng không thì đôi khi sẽ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, ưu tiên cho đơn vị này, hãng kia”, ông Lịch nói.

Theo Văn Kiên

PV

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên