MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường sắt khổ 1m: "Bộ đường sắt" lạc hậu hơn 100 năm

"Nếu xây dựng đường sắt khổ 1m thì chỉ là "giật gấu vá vai" chứ không có tầm nhìn chiến lược. Đó chính là biểu hiện của tư duy cổ hủ".

Đó là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội trước đề án xin xây thêm một tuyến đường sắt khổ 1m của Tổng công ty ĐSVN.

Lạc hậu hơn 1 thế kỷ

PV: -Vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) vừa xin Bộ GTVT cho phép lập đề án nghiên cứu xây dựng thêm 1 tuyến đường sắt khổ 1m chạy song song với tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM hiện nay, để phục vụ nhu cầu vận tải trước mắt và trong tương lai. Ông đánh giá như thế nào về tính thực tế của đề án này?

PGS.TS Nguyễn Đình Thám: - Nếu xây dựng thêm tuyến đường sắt khổ 1m, thì tôi khẳng định là nó quá lạc hậu, lạc hậu đến hơn 1 thế kỷ.

Bây giờ, xu thế là cần hiện đại lên, nhưng nếu chúng ta xây dựng thêm một tuyến đường sắt khổ 1m thì nó sẽ trở lại thời kỳ cách đây 100 năm, liệu có nên không?

Đáng lẽ chúng ta không đi trước đón đầu, thậm chí không đuổi kịp trình độ của khu vực, thì ít nhất cũng phải làm được đường sắt tốc độ cao, khổ 1.435, để chạy hai đường song song, như vậy mới nâng cao được năng lực vận tải, xứng tầm khu vực, giải quyết vấn đề vận tải, giao thông, giảm ùn tắc, giảm tai nạn.

Còn nếu xây dựng đường sắt khổ 1m thì chỉ là "giật gấu vá vai" chứ không có tầm nhìn chiến lược. Đó chính là biểu hiện của tư duy cổ hủ, cò con. Phải học tập kinh nghiệm của các nước, dùng vận tải đường sắt là cốt lõi, là vận tải phục vụ sản xuất. Có nghĩa vận tải hàng hóa thì phải bằng đường sắt là chính, ở đây chúng ta lại sử dụng đường bộ, nên dẫn đến các tuyến đường nhanh bị xuống cấp.

Nhìn ngay vào các nước vận tải đường dài, họ đều vận chuyển hết bằng đường sắt chứ không một nước nào vận chuyển bằng đường bộ từ Bắc - Trung - Nam, dài hàng nghìn km, bằng ô tô. Bởi như vậy là quá lỗi thời, làm ăn nhỏ chứ làm ăn lớn thì không ai làm.

Còn hiện nay nếu muốn khai thác hiệu quả của đường sắt, thì phải đổi mới công nghệ, mà đổi mới công nghệ thì phải đổi mới cả tư duy, nếu không thì không thể phát triển được.

PV: - Theo nội dung được đề cập trong đề án thì Tổng cục ĐSVN cho rằng, việc xây dựng thêm nhằm đảm bảo nhu cầu vận tải trong thời gian chờ xây đường sắt tốc độ cao. Vì đường sắt tốc độ cao dự kiến hoàn thành vào năm 2050, như vậy từ nay đến thời điểm đó còn 36 năm vẫn phải sử dụng đường sắt đơn, nên việc xây thêm 1 tuyến đường sắt nữa là cần thiết. Ông nhìn nhận ra sao về tình trạng sử dụng đường sắt hiện nay, đã đến mức quá tải chưa.

Có nhiều đánh giá cho rằng chúng ta chưa sử dụng hết được công suất của đường sắt, điều này có đúng?

PGS.TS Nguyễn Đình Thám: - Nói ngay đến đường sắt siêu tốc, quan điểm của tôi là nên dừng lại, vì chỉ có những nước giàu, nước ăn chơi mới dùng đường sắt siêu cao tốc thay cho máy bay.

Còn đối với nước ta, không thể dùng đường sắt siêu cao tốc thay cho đường sắt trong khâu vận tải hàng hóa được vì giá thành quá đắt, không phù hợp với mức sống của người dân hiện nay, nếu có làm thì tôi khẳng định chắc chắn lỗ.

Phương án tốt nhất hiện nay là xây được đường sắt chạy 2 chiều 1 lúc, khổ 1.435, nâng tốc độ lên khoảng 120-140km/h là phù hợp với VN. Thứ nhất, để vận tải hàng hóa, phục vụ sản xuất vì nước ta rất dài. Thứ hai, phục vụ chuyện giao thông đi lại của người dân thu nhập thấp

Bên cạnh đó, nó có thể giải tỏa đường bộ, giảm ách tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, vì nó nhiều ưu thế, độ an toàn cao hơn, công suất vận chuyển trên 1 tuyến đường lớn hơn, giá thành thấp hơn.

Nhìn lại những năm qua, trong khi hệ thống đường sắt của chúng ta, từ khi tiếp quản đến giờ vẫn chỉ khai thác đường sẵn có, có duy nhất thay đổi được đầu máy, từ đầu máy hơi nước sang dầu diesel. Thì ở các nước họ luôn phát triển đường sắt trước, nước càng dài thì đường sắt càng phát triển, ví dụ như Nga, TQ, Nhật Bản đều tập trung phát triển đường sắt.

Chúng ta có thể áp dụng kinh nghiệm của Trung Quốc, lắp ba ray chạy với toa đầu máy hiện nay, còn 1 ray phục vụ cho đường sắt khổ 1.435, sau có đủ kinh phí thì thay đầu máy và toa xe và chỉ cần tháo ray thừa đi như vậy sẽ tiết kiệm không phải làm lại nền đường, và có thể để chạy 2 loại tàu trên cùng một đường (trên nhau) cùng lúc được.

Cụ thể như tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn có thể chạy hai loại tàu khác nhau. Còn nếu không đủ điều kiện làm cùng 1 lúc các tuyến đường thì có thể hiện đại hóa dần dần trên cơ sở cái hiện có. Ưu tiên những tuyến có mật độ vận chuyển cao và ngắn thì làm trước, ví dụ tuyến HN - Hải Phòng, HN- Lào Cai, HN - Vinh, Sài Gòn - Nha Trang.

Vạch ra đề án để có chỗ làm, chỗ nói

PV: - Theo đánh giá khách quan của ông thì liệu Việt Nam có thể tự mình làm được tuyến đường sắt khổ 1m với nội lực hoàn toàn như lãnh đạo Tổng cục ĐSVN đề xuất?

PGS.TS Nguyễn Đình Thám: - Theo tính toán thì VN có thể làm được nhưng đó lại là một đầu tư lạc hậu. Vấn đề là xây xong thì sau vài năm nữa sẽ phải làm lại.

Có nghĩa, đây chỉ là biện pháp để giải quyết tình thế trước mắt, cũng như câu chuyện tắc đường thì mở thêm 1 đường phụ, nhưng vấn đề quan trọng là phải hiện đại hóa để giải quyết triệt để thì mới là chính. Chúng ta phải biết mình là nước nghèo thì phải làm sao tránh lãng phí một cách triệt để nhất, chứ không phải làm rồi vài năm sau không hợp lý thì lại vất đi con nhà nghèo phải tính kỹ.

Xây thêm một tuyến đường sắt khổ 1m, tôi thiết nghĩ đó là cách giải quyết tình huống thì được, nhưng 1 đất nước cái gì cũng tình huống thì nó không có tầm nhìn, ít nhất là tầm nhìn 30 – 50 năm, chứ tầm nhìn vài năm là không nên.

Nhìn vào sự phát triển đường sắt hiện nay, chúng ta chỉ tiến bộ hơn Campuchia, vì đầu máy họ chạy bằng công nông còn chúng ta chạy bằng dầu diesel, đó là còn chưa kể đến hiện nay nhiều nhà ga còn sập sệ, không khai thác được nên bỏ chết vì không cạnh tranh kiểu chộp giật của đường bộ.

PV: - Nguyên nhân mà cho đến nay ngành đường sắt vẫn chưa thể phát triển được là gì, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Đình Thám: - Tôi thấy nguyên nhân sâu sắc nhất là sự quan tâm đến hệ thống đường sắt hiện nay quá thấp, vì có mấy lãnh đạo đi công tác bằng đường sắt.

Mà đường sắt thì cần đầu tư tầm cỡ quốc gia, chứ không như đường bộ, có thể đầu tư tu sửa, nâng cấp 1 - 2 cây số, đường sắt không thể làm như vậy. Nó cần sự đồng bộ, có tầm nhìn mới làm được.

Quan trọng hơn là chưa nhìn ra được các lợi thế đặc biệt của đường sắt, giả dụ như đường sắt GPMB sẽ mất chi phí thấp hơn, mở rộng thêm 1 tuyến thì tiền cũng không đáng kể, rẻ hơn đường bộ rất nhiều. Trong khi đường bộ GPMB tốn kém, lãng phí tài nguyên đất đai.

PV: - Giả sử đề án này được triển thìkhó khăn lớn nhất nằm ở đâu, thưa ông? Khi hiện nay, Nhật Bản cũng đã đưa thêm nhiều điều kiện khi cho VN vay nguồn vốn ODA sau vụ hối lộ quan chức ĐSVN vừa qua?

PGS.TS Nguyễn Đình Thám: - Tất nhiên thường những người lập dự án bao giờ cũng chứng minh ý đồ dự án là hợp lý, là có lợi, có hiệu quả và khi không hiệu quả, thì cũng không có trách nhiệm, cuối cùng nhà nước, nhân dân là người phải chịu gánh nặng.

Còn hiện nay cứ vạch ra đề án để có việc làm, có chỗ để nói , còn có lợi ích hay không không cần biết vì khi đó những người bầy ra không còn ở đó nữa chỉ có dân là chịu thôi. Nói chung, đã sử dụng vốn ODA vay ưu đãi thì sử dụng làm sao cho hiệu quả, cho xứng đáng tầm nhìn của các nước đầu tư.vì cơ hội vay không phải lúc nào cũng có

PV:- Nếu được đưa ra ý kiến đóng góp cho Bộ GTVT để có quyết định đúng đắn trước đề xuất này, ông có ý kiến gì? Vì sao ạ?

PGS.TS Nguyễn Đình Thám: - Theo tôi, ít nhất cũng phải đưa cơ sở hạ tầng đường sắt ngang tầm khu vực và TG hiện nay, chưa cần đòi hỏi tiên tiến. Có nghĩa chỉ cần đạt được trình độ trung bình của TG hiện nay là phù hợp với nước ta, vừa về trình độ, vừa về kinh tế, vừa về hình thái đất nước, tâm lý của mọi người đi đường chỉ cần như vậy, dân chúng ta nghèo chưa thể đi đường sắt siêu tốc thay máy bay, nên không cần những thứ cao siêu quá.

Còn đường sắt của chúng ta là vận tải hàng hóa, phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, nên đường sắt nào là đường sắt phục vụ vận tải hàng hóa, phát triển kinh tế,hợp người lao động thì đầu tư vào đó.

Bộ cần có cái nhìn khách quan, vì thực tế, chúng ta nên thực hiện dự án đường sắt khổ 1.435, nó đúng cả về công nghệ, đúng cả tình thế kinh tế và tâm sinh lý người sử dụng. Nếu làm được tuyến đường sắt này thì bài toàn ATGT quốc gia sẽ được giải quyết triệt để, còn nếu không thì sẽ ngược lại.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

>>>Nghiên cứu xây thêm tuyến đường sắt khổ 1m trên trục Bắc - Nam

Theo Thanh Huyền

cucpth

Đất Việt

Trở lên trên