MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ép bệnh nhân BHYT về tuyến dưới: Chủ trương chưa thuyết phục

Chuyển bệnh nhân diện BHYT từ bệnh viện tuyến trên về bệnh viện tuyến dưới được xem là một trong những giải pháp để giảm tải bệnh viện. Tuy nhiên, chủ trương này đang khiến nhiều người trong cuộc hoang mang.

Bệnh nhân và bệnh viện lo

Bà Tạ Thị Tươi, ngụ tại quận 5 TP.HCM chia sẻ: “Tôi bị các bệnh mãn tính tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, bác sĩ ở bệnh viện An Bình đã nắm bệnh và điều trị cho tôi nhiều năm. Nay bảo hiểm xã hội (BHXH) chuyển tôi về bệnh viện quận 5, rất khó khăn cho việc đi lại và làm quen với bác sĩ mới.

Hơn nữa, cơ sở vật chất của bệnh viện quận 5 rất kém, máy móc thiếu thốn nên tôi không muốn chuyển về đó. Cơ quan BHXH phân bổ như vậy gây khó khăn cho việc khám chữa bệnh của tôi”.

Không như bà Tươi, ông Nguyễn Thành Hợi, 70 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp, có nỗi lo khác. Ông cho biết, mình bị bệnh tim phải sử dụng kỹ thuật của tuyến trên, nhưng bệnh viện quận lại không có. Việc phải khám từ tuyến cơ sở rồi mới chuyển lên tuyến trên vừa nhiêu khê lại tốn thời gian nên ông đã lên thẳng bệnh viện tuyến trên để chữa trị, chấp nhận chỉ hưởng 30% BHYT.

Nhưng tới đây, khi BHYT ép bệnh nhân về dưới để giảm tải, ông không biết mình có hưởng được quyền lợi này nữa hay không.

Trước chủ trương này, bệnh viện quận/huyện cũng lo nhiều hơn vui. Đơn cử như bệnh viện quận Bình Thạnh, nơi có số lượng thẻ BHYT kỷ lục 235.000 thẻ, đang đứng trước viễn cảnh quá tải trầm trọng. Một thành viên ban giám đốc cho biết, trong tháng này, có ngày bệnh viện khám đến 2.600 bệnh nhân BHYT, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu bệnh viện quận, huyện không lo đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng chuyên môn để phục vụ bệnh nhân thì bệnh nhân BHYT sẵn sàng vượt tuyến để được hưởng dịch vụ khám chữa bệnh tốt hơn, dù phải đóng thêm tiền. Trong trường hợp này, mục tiêu giảm tải sẽ khó đạt được.

Chưa chuyển ồ ạt

Bà Lưu Thị Thanh Huyền, phó giám đốc cơ quan BHXH TP.HCM cho biết, hiện TP.HCM còn hơn 1,3 triệu thẻ BHYT đang đăng ký ở tuyến trên, nhưng cơ quan BHXH sẽ chuyển thẻ từ từ theo lộ trình chứ không chuyển ồ ạt. Việc chuyển thẻ BHYT từ bệnh viện tuyến thành phố về tuyến quận, huyện được bắt đầu từ đầu năm 2010 đến nay, dự kiến cuối năm 2012 sẽ hoàn thành.

Để giải quyết hợp lý, theo bà Huyền, với các bệnh viện tuyến dưới đã quá tải, sắp tới BHXH TP.HCM sẽ phối hợp với sở Y tế nghiên cứu lại để chuyển về trạm y tế xã, phường hoặc khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến trên cho hợp lý với bệnh nhân.

Với những bệnh nhân có bệnh lý cần can thiệp chuyên môn và kỹ thuật cao thường xuyên, cơ quan BHXH sẽ chuyển thẻ lên tuyến trên. Bà Huyền nói, TP.HCM còn nhiều bệnh viện và phòng khám đa khoa tư nhân sẵn sàng tiếp nhận khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT, nhưng bệnh nhân có tâm lý ngại đến vì sợ đóng tiền chênh lệch.

Theo Hoàng Nhung

SGTT

cucpth

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên