MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“EVN không đề xuất điều chỉnh giá điện trong năm 2016”

“Dù năm 2016 dự báo có nhiều khó khăn nhưng hiện nay, EVN không có bất cứ đề xuất nào về việc xin điều chỉnh giá điện trong năm 2016”.

Đây là phát biểu của ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) chiều 17.1 sau khi Bộ Công Thương đưa ra dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ lấy ý kiến người dân về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, cho phép mức tối thiếu mỗi lần tăng giá điện là 3% và thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá điện bình quân là 3 tháng.

Thưa ông, vừa qua Bộ Công Thương có đưa ra dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân với nhiều mức độ khác nhau, ý kiến của EVN về vấn đề này như thế nào?

- Về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, ngày 19.11.2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 69/2013/QĐ-TTg và cho đến thời điểm hiện tại, quyết định này vẫn đang được áp dụng và là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp triển khai thực hiện.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 8.11.2013 quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành Điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam. Theo đó, thị trường điện lực được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ, thị trường phát điện cạnh tranh, thị trường bán buôn điện cạnh tranh và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Bộ Công Thương cũng đã vừa ban hành quyết định số 8266/QĐ-BCT ngày 10.8.2015 phê duyệt thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh và tiến tới là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Vì vậy, những nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân cũng cần phải được điều chỉnh dần dần sao cho càng ngày càng tiếp cận và phù hợp với qui luật của thị trường. Chính vì vậy Bộ Công Thương đã tiến hành dự thảo quyết định “Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân” để thay thế cho quyết định 69/2013/QĐ-TTg hiện đang có hiệu lực.

Việc đưa ra lấy ý kiến lần này của Bộ Công Thương thể hiện sự công khai minh bạch trong việc ban hành các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến giá điện. Đây là bước cần thiết phải thực hiện trước khi ban hành chính thức.

EVN với trách nhiệm của mình là đơn vị trực tiếp bán điện cũng sẽ nghiên cứu cẩn thận nội dung và có ý kiến góp ý chính thức, cụ thể đối với từng vấn đề nêu trong dự thảo để đảm bảo phù hợp với quá trình sản xuất kinh doanh điện của EVN.

Có một số thông tin cho rằng, EVN đang có những chuẩn bị đề xuất tăng giá điện, ông có thể nói rõ hơn về việc này?

- Đúng là vừa qua có một số báo chí nêu EVN đang muốn tăng giá điện. Tuy nhiên, tôi xin khẳng định là hiện nay EVN không có bất cứ kế hoạch nào đề xuất điều chỉnh giá điện trong năm 2016.

Năm 2016 là năm EVN dự báo gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino có cường độ mạnh và kéo dài nhất trong 60 năm qua, gây thiếu nước ở hầu hết các hồ chứa thủy điện. Dù EVN đã chủ động tích nước từ rất sớm, song tổng lượng nước các hồ thủy điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường đến nay vào khoảng 6,5 tỷ m3 nước. Bên cạnh đó, EVN phải đảm bảo cấp nước cho hạ du phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân. Chỉ tính riêng cấp nước để phục vụ cho gieo cấy vụ đông xuân 2015 – 2016 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, EVN đã phải xả khoảng 5,16 tỷ m3 nước từ các hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà.

Mặc dù vậy, EVN cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị thành viên bằng mọi biện pháp khắc phục. Hiện các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế cũng đang gặp khó khăn, nếu EVN xin điều chỉnh giá điện thì lại càng khó khăn hơn nữa. Với vai trò là một doanh nghiệp nhà nước, EVN thấy cần có trách nhiệm phải góp phần giữ ổn định nền kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo đất nước phát triển và ổn định cuộc sống người dân.

Xin cảm ơn ông!

Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo quyết định Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân để xin ý kiến nhân dân.

Theo dự thảo này, giá bán điện bình quân sẽ được điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định và “chỉ được điều chỉnh tăng ở mức 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành”. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng.

EVN sẽ được điều chỉnh giá điện trong khung cho trước nếu chi phí đầu vào tăng 3 - 5%. Cơ chế điều chỉnh giá cũng được quy định rõ: Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định khung giá điện. Khi các chi phí đầu vào tăng làm giá bán điện bình quân tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá hiện hành từ 3 - 5% và trong khung giá quy định, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân tương ứng. EVN chỉ cần báo cáo Bộ Công thương và Bộ Tài chính để kiểm tra.

Nếu cần tăng trên 5% hoặc giá bán điện bình quân cần điều chỉnh vượt phạm vi khung giá, EVN phải lập hồ sơ phương án giá, báo cáo Bộ Công thương và gửi Bộ Tài chính để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Nếu giá đầu vào làm giá bán điện bình quân tại thời điểm tính toán thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá (sau khi đã trích quỹ bình ổn giá điện), quy định yêu cầu EVN giảm ngay giá bán điện ở mức tương ứng, bất kể mức giảm là bao nhiêu.

Dự thảo cũng giao Bộ Công thương kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện bình quân. Trường hợp cần thiết, Bộ Công thương được quyền ra văn bản yêu cầu EVN giảm hoặc dừng tăng giá bán điện bình quân, được phép mời tư vấn độc lập để thẩm tra hồ sơ điều chỉnh giá bán điện bình quân...

Đặc biệt, Bộ Công thương cũng sẽ công khai công thức tính giá bán điện bình quân, trong đó giá để làm cơ sở điều chỉnh giá điện này sẽ bao gồm 10 yếu tố cấu thành, gồm tổng chi phí phát điện, tổng doanh thu cho phép khâu truyền tải điện (theo năm); tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện và lợi nhuận định mức; mức trích lập quỹ bình ổn giá điện...

Bên cạnh đó, theo dự thảo Việt Nam sẽ có thêm quỹ bình ổn giá điện. Trong trường hợp cần thiết Nhà nước sẽ sử dụng quỹ bình ổn giá điện và các biện pháp khác theo quy định để bình ổn giá bán điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Nguồn hình thành quỹ bình ổn giá điện sẽ được trích từ giá bán điện và sẽ tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. Tuy nhiên, quỹ chỉ được trích lập khi các yếu tố đầu vào hình thành giá bán điện giảm so với hiện hành và chi phí sản xuất kinh doanh điện bị “treo” (chưa được tính hết vào giá bán điện) đã được xử lý hết. Cũng theo dự thảo, EVN được giao quyền thực hiện việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá điện.

Việc lập quỹ bình ổn giá điện đã được quy định trong Luật giá năm 2012, quy chế xả quỹ sẽ do Bộ Tài chính hướng dẫn.

Theo Mai Hương

Dân Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên