MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

EVN lại một lần nữa nói không đúng?

Phải chăng lý do bài ca "thiếu điện" một lần nữa được cất lên để đòi tăng giá của EVN?

Cách đây 4 năm, khi một phóng viên viết bài về chuyện tăng giá điện, chủ tịch tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lúc đó là ông Đào Văn Hưng (nay đã về làm tại bộ Công thương) gọi điện cho một nhà báo nói: "Còn tôi, còn anh, hãy đến xem năm 2012 tình hình khủng hoảng (thiếu) điện năng như thế nào!". Ý ông Hưng khi đó cảnh báo, nếu các nhà báo cứ lên án việc tăng giá điện, gây áp lực dư luận mà ngành điện không điều chỉnh được giá, sẽ không thu hút được vốn đầu tư, xây dựng công trình nguồn điện mới thì tình trạng thiếu điện sẽ xảy ra.

Cuối cùng thì tình trạng thiếu điện đã không xảy ra như ông cựu chủ tịch EVN dự báo. Năm 2011, năm 2012 đều không thiếu điện...Tất nhiên, cũng có những nguyên nhân khách quan do thời tiết thuận lợi nên các nhà máy thủy điện khai thác gần như tối đa công suất và kinh tế đi xuống, sản xuất-kinh doanh đình trệ khiến nhu cầu tiêu thụ điện năng giảm. Dù sao, cân đối tổng thể cũng có thế lấy làm may vì dự báo "xấu" của ông Đào Văn Hưng, có phần do ông nói cũng quá lời.

Nhưng thực tế thì giá điện đã liên tục tăng qua các năm. Có năm tăng 2 lần. EVN đã khôn khéo khi mỗi lần chỉ điều chỉnh tăng 5% để tránh gây sốc và chịu nhiều tầng nấc thẩm định (theo quy định, nếu tăng từ 5% trở xuống thì EVN được quyền tăng, trên 5% thì phải do Thủ tướng quyết định-tất nhiên, sẽ phải thẩm định, kiểm tra, kiểm toán các thông số đầu vào, lý do tăng). Từ lý do "giá điện Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực", đến nay, EVN khó lấy lý do đó được nữa vì giá điện Việt Nam đã cao hơn một số nước.

Vậy phải chăng, đó là lý do bài ca "thiếu điện" một lần nữa được cất lên để đòi tăng giá của EVN? Lãnh đạo EVN kêu đang có áp lực phải tăng giá điện do EVN (dự kiến) phải huy động trên 1,1 tỷ kWh từ các nhà máy, tổ máy điện chạy dầu với giá thành cao để cung ứng điện, đặc biệt cho các tỉnh phía Nam do năm 2013 không có nguồn phát điện mới đưa vào vận hành.

Nhưng một lần nữa phải đặt câu hỏi với sự trung thực của EVN bởi ngay sau đó, ông tổng cục trưởng tổng cục Năng lượng-thuộc bộ Công thương, một người đã từng lăn lộn nhiều năm ở cương vị lãnh đạo của trung tâm Điều hộ hệ thống điện quốc gia, EVN đã khẳng định: "Trừ những sự cố đột biến về sản xuất điện trong các tháng sắp tới; về cơ bản, có thể cung cấp đủ điện cho các tháng mùa khô (tức là các tháng có nguy cơ thiếu điện cao nhất".

Các con số của mà tổng cục Năng lượng cung cấp đều cho thấy cảnh báo của EVN chỉ là "dọa dẫm": Trong năm 2013, dự kiến điện sản xuất toàn hệ thống tăng 11% so với năm 2012. Dự kiến điện tiêu thụ trong mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 6) là 64,1 tỷ kWh, tăng khoảng 10,58%. Như vậy, cơ bản tổng sản lượng điện sẽ đáp ứng nhu cầu.

Vậy thì, người dân còn đáng tin vào những phát biểu, lý do phải tăng giá điện của EVN tiếp theo không khi ngay cả các số liệu được cơ quan có thẩm quyền thẩm định cho thấy điều EVN nói lại một lần nữa không đúng?

Mối lo điện tăng giá, một lần nữa, trong khi sản xuất-kinh doanh của khối doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, ở khu vực dân cư thì thu nhập giảm sút không phải không có căn cứ. Hiện, bộ Công thương đã đưa lên website của bộ này (để lấy ý kiến góp ý của người dân) bản dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý và điều hành giá bán lẻ điện.

Theo bản dự thảo này, trường hợp các thông số đầu vào cơ bản tại thời điểm tính toán biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá thành điện kế hoạch làm giá bán điện bình quân tại thời điểm tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành với mức: từ 2-5% và trong khung giá quy định thì EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký và được bộ Công Thương chấp thuận.

Nếu trên 5% hoặc mức giá bán lẻ điện bình quân tính toán sau điều chỉnh ngoài phạm vi khung giá quy định thì EVN báo cáo bộ Công Thương và gửi bộ Tài chính để thẩm định, để điều chỉnh tăng giá.

Một khi bản dự thảo quyết định này được phê duyệt, EVN sẽ có cơ sở, chỗ dựa để điều chỉnh giá, thậm chí vài lần trong một năm. EVN tất nhiên quá muốn như thế rồi bởi tập đoàn này vẫn có trên vai gánh nặng khoản lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng và điều chỉnh giá liên tục sẽ giúp tập đoàn này cân bằng được tài chính.

Nhưng nếu cho EVN thỏa mãn với điều đó, liệu có còn công bằng không khi trong các khoản thua lỗ của EVN, có những khoản lỗ không nhỏ do điều hành quản lý yếu kém, thậm chí có sai phạm, ví dụ như ở công ty Cổ phần Viễn thông điện lực (EVN Telecom) trước đây (đã phải giải thế, sáp nhập vào tập đoàn Viettel) và người dân, doanh nghiệp khác phải trả tiền điện để bù cho các khoản lỗ đó?

Hay có một cách khác nữa: cổ phần hóa mạnh hơn nữa các công ty, các nhà máy điện của EVN, buộc EVN phải thoái vốn toàn bộ ở các doanh nghiệp, dự án trái ngành nghề chính của tập đoàn này, chấp nhận cả bị lỗ, mất phần nào vốn để có nguồn tiền đầu tư cho các công trình nguồn điện mới mà không phải liên tục điều chỉnh tăng giá điện?

Theo Mạnh Quân

Tuần Việt Nam

thunm

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên