Trao đổi với VnExpress.net sáng nay, lãnh đạo
của Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định, EVN đang tính toán các thông
số đầu vào cơ bản gồm biến động giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ và cơ
cấu sản lượng điện phát. Tùy từng tháng, mỗi thông số đều có sự biến đổi
nhất định, EVN sẽ căn cứ vào biến động này để cân nhắc thời điểm đề
xuất tăng giá.
Cụ thể, lãnh đạo này cho hay, tỷ giá vừa qua ít biến
động. Còn giá nhiên liệu đang có chiều hướng tăng, trong trường hợp mâu
thuẫn giữa Iran và các nước phương Tây dâng cao thì giá dầu sẽ biến động
mạnh. Cơ cấu sản lượng điện vừa qua biến động không nhiều, nhưng nguồn
tin này lo ngại, sắp tới vào mùa hè cao điểm thì nhu cầu điện có thể
tăng đột biến.
"Tập đoàn Điện lực đang tính toán hằng tháng các thông
số đầu vào cơ bản theo Quyết định 24 và Thông tư 31. Khi đủ điều kiện
theo quy định EVN sẽ đề xuất tăng giá điện", lãnh đạo này tiết lộ.
Lãnh đạo Nhà đèn cho biết thêm, giá dầu trong và ngoài
nước tăng vừa qua cũng ảnh hưởng đến nhiều nhà máy nhiệt điện của EVN.
Cụ thể, giá thế giới đột biến trong tháng qua thì giá khí bán cho Nhiệt
điện Cà Mau sẽ tăng. Ngoài ra, các nhà máy nhiệt điện than dùng dầu FO
cũng bị ảnh hưởng khi giá dầu thế giới biến động.
Theo Thông tư 31, giá điện sẽ được tính toán kiểm tra
hàng tháng trên cơ sở biến động của các thông số đầu vào cơ bản gồm tỷ
giá, giá nhiên liệu, cơ cấu sản lượng điện phát của các tháng đã qua.
Trước ngày 20 hàng tháng, căn cứ trên các thông số đầu vào cơ bản thực
tế được xác định, EVN kiểm tra, tính toán chênh lệch giá bán điện bình
quân do biến động các thông số đầu vào ở trên.
Đối với trường hợp chi phí đầu vào tăng 5%, EVN được
điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng, sau khi đăng ký với Bộ
Công Thương và được chấp thuận. Nếu chi phí tăng trên 5%, EVN cần báo
cáo Bộ Công Thương và gửi Bộ Tài chính thẩm định.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2,
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương và các
cơ quan liên quan điều chỉnh giá điện vừa bảo đảm chủ trương theo cơ
chế giá thị trường vừa đáp ứng mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Cuối tháng 12/2011, điện đã tăng giá 5%. Tập đoàn Điện
lực Việt Nam cho biết, ngành điện đề xuất mức tăng 11%. Tuy nhiên, do
mục tiêu kiềm chế lạm phát, Chính phủ chỉ cho phép tăng ở mức thấp nhất
là 5%. Với mức tăng này, EVN thu thêm được khoảng 6.000 tỷ đồng. Con số
này được lãnh đạo EVN đánh giá là "rất khiêm tốn" và mới chỉ bù lỗ cho
chi phí môi trường rừng khoảng 700 tỷ đồng, chi phí nhiên liệu trong năm
2012. Còn khoản lỗ 10.000 tỷ đồng, EVN vẫn chưa thể giải quyết được.
Theo Hoàng Lan
VnExpress