MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

EVN lên kế hoạch giá điện bình quân 2016 tăng 1,3%

Một trong những chỉ tiêu kế hoạch mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam đặt ra cho năm 2016 là giá điện bình quân của toàn Tập đoàn đạt 1.651,2 đ/kWh.

Ngoài ra, mức giá bán điện bình quân của các tổng công ty điện lựcEVN đặt ra sẽ là 1.651 đ/kWh.

Như vậy, so với mức giá bán điện bình quân toàn EVN năm 2015 ở mức 1.629,8 đ/kWh, thì chỉ tiêu giá điện bình quân mà EVN đặt ra cho năm 2016 cao hơn 21,2 - 21,4 đồng/kWh, tương đương tăng khoảng 1,3%.

Ngoài ra, nếu so với giá bán điện bình quân được Chính phủ điều chỉnh từ ngày 16/3/2015 ở mức 7,5% (tương ứng giá bán điện bình quân là 1.622,01 đ/kWh), thì giá bán điện bình quân của EVN năm qua cao hơn 6,99 đ/kWh.

EVN tăng cả doanh thu và lợi nhuận

Tại buổi tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015 mới đây, EVN cho biết nhờ mức tăng giá điện và sản lượng tăng nên hiệu quả doanh thu bán điện tăng thêm 1.800 tỷ đồng. Tất cả các tổng công ty điện lực của Tập đoàn đều hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch giá bán điện bình quân từ 11 – 17 đ/kWh.

Theo đó, doanh thu bán điện của toàn Tập đoàn ước đạt 233.710 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2014. Không công bố chi tiết về lợi nhuận đạt được của năm 2015 song EVN cho biết lợi nhuận của cả công ty mẹ - EVN và 9 Tổng công ty đều đạt ở mức cao hơn so với kế hoạch, nhờ vậy EVN bảo toàn được vốn Nhà nước.

Trước đó tại cuộc họp của Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết trong điều kiện lạm phát tăng thấp sẽ tạo thuận lợi để điều chỉnh giá nhiều mặt hàng thiết yếu, trong đó có giá điện, để đưa giá điện tiến tới cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng lưu ý rằng việc điều chỉnh giá điện hay giá dịch vụ công cần phải tính toán và cân nhắc hết sức thận trọng. Bởi có thể đây sẽ là yếu tố không hẳn tạo sự thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế do người dân phải chi tiêu nhiều hơn vào các giá hàng hóa này và như vậy sẽ không kích thích tiêu dùng.

Tăng giá điện đã đạt được sự đồng thuận của xã hội?

Mặc dù vậy, EVN cho rằng các tác động do điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ trong năm 2015, tăng giá bán than cho sản xuất điện từ năm 2016, tăng giá khí trong bao tiêu, tăng thuế tài nguyên nước, tăng chi phí môi trường rừng là những yếu tố mà theo EVN là chưa được tính vào giá điện hiện hành. Do đó, điều này sẽ gây áp lực lớn lên tình hình tài chính của Tập đoàn.

Ngoài ra, EVN vẫn khẳng định trên cơ sở tính toán phương án cung cầu điện với dự kiến sản lượng điện thương phẩm năm 2016 sẽ tăng trưởng 11% - 12% so với năm 2015, Tập đoàn nhận định hệ thống điện có đủ khả năng đáp ứng đủ điện cho đất nước.

Đánh giá về vấn đề điều chỉnh giá điện, năm 2011 - 2015 là giai đoạn mà giá điện được điều chỉnh nhiều nhất song lại được xã hội ủng hộ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho rằng vấn đề cốt lõi là EVN đã kiên trì làm truyền thông, để cho khách hàng hiểu và chia sẻ và tạo sự đồng tình của xã hội.

“EVN đã ngày càng minh bạch hơn, đưa thị trường vận hành cạnh tranh. Ta kiên trì và thay đổi nhận thức xã hội, làm tốt công tác dịch vụ khách hàng, cũng như việc tự nhận lỗi và điểm yếu để khắc phục. Việc thay đổi tư duy từ khâu phân phối và dịch vụ khách hàng đã thay đổi nhận thức của khách hàng” – Phó thủ tướng đánh giá.

 

Theo EVN, việc dự kiến tăng giá điện bình quân năm 2016 được tính toán dựa trên các yếu tố: Sản lượng điện thương phẩm tăng; Cơ cấu phụ tải thay đổi: Các thành phần phụ tải có mức giá cao như thương mại dịch vụ, quản lý và tiêu dùng dân cư dự kiến tăng trưởng mạnh.

Ngoài ra, EVN cho biết các Tổng Công ty Điện lực có nhiều giải pháp quyết liệt trong điều hành kinh doanh, đảm bảo thay đổi thỏa thuận giá điện kịp thời khi khách hàng thay đổi mục đích sử dụng điện cũng như các định mức sử dụng điện...

 

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên