MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hài hòa bàn tay “hữu hình” và “vô hình”

Những tiêu chí mà nền kinh tế thị trường cần hướng tới gồm tính minh bạch, tuân thủ luật đề ra, đồng tiền ổn định, đối xử công bằng và không có các khoản chi phi chính thức. Việt Nam không thể chấp nhận một nền kinh tế thị trường tự do “thô sơ”, cũng không chấp nhận sự can thiệp hành chính “thô bạo”.

Kinh tế thị trường là nền kinh tế trong đó người mua và người bán tác động với nhau theo quy luật cung cầu, quy luật giá trị để xác định giá cả và số lượng hàng hoá, dịch vụ trên thị trường. Các quan hệ này là khách quan, nhưng cũng có thể bị bóp méo dưới tác động của các nhân tố bên trong và bên ngoài.

Trong khi Việt Nam tuân theo các mục tiêu dài hạn cao cả của mình, xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thì đồng thời cũng phải tuân thủ các quy luật khách quan, trong đó có các quy luật của nền kinh tế thị trường trong điều kiện đổi mới và hội nhập. Trong quá trình này, vai trò của Nhà nước rất quan trọng và sự vận động khách quan của thị trường cũng phải được tôn trọng.

Không chấp nhận “thô sơ”, cũng không thể “thô bạo”

Việt Nam không thể chấp nhận một nền kinh tế thị trường tự do “thô sơ”, trong nền kinh tế tự do đó thường xảy ra các “trục trặc” ngoài ý muốn, nhất là trong quan hệ lao động, mà người thua thiệt thường là người lao động và người tiêu dùng. Nhưng đồng thời Việt Nam cũng không chấp nhận sự can thiệp hành chính “thô bạo” của nhà nước, làm thui chột các hoạt động sáng tạo của các chủ thể kinh tế, dù đó là các cá nhân người tiêu dùng, hộ gia đình, doanh nghiệp hay cả xã hội.

Việc vận hành của thị trường cần sự kiểm soát một cách thông minh của Nhà nước. Sự kết hợp hài hòa bàn tay “hữu hình” của Nhà nước với bàn tay “vô hình” của thị trường sẽ làm cho nền kinh tế trở nên linh hoạt hơn. Sự kết hợp này ngày càng trở nên hoàn thiện hơn qua một quá trình dài, khắc phục các sai lầm và vấp váp.

Việc chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập là một quá trình đòi hỏi những điều kiện tiền đề rất quan trọng, trong đó có việc hình thành hệ thống luật lệ thích ứng với các loại thị trường đang hình thành (thị trường hàng hóa, thị trường vốn, thị trường sức lao động, thị trường công nghệ, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm…) và “ăn khớp” thị trường trong nước với thị trường quốc tế toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt.

Khi Việt Nam tham gia WTO và ký kết các hiệp định tự do thương mại FTA, các nước đều nhấn mạnh Việt Nam cần phải vận hành đầy đủ nền kinh tế thị trường. Ngược lại, Việt Nam thường yêu cầu các nước sớm công nhận kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Điều này rất cần thiết để Việt Nam có thể bình đẳng tham gia hợp tác với các nền kinh tế toàn cầu, ít nhất từ năm 2018 trong WTO. Tuy nhiên, về một mặt nào đó, việc công nhận này có những tiêu chuẩn cụ thể.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng chỉ rõ nhiệm vụ quan trọng, bao trùm là “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng”.

Cho đến nay, các chuyên gia quốc tế đánh giá cao các thành tựu chuyển đổi của Việt Nam, nhưng theo đại diện của Liên minh châu Âu, xét theo 5 tiêu chí của kinh tế thị trường, thì dường như Việt Nam còn cần nỗ lực hơn nữa. Chúng ta thử xem xét cụ thể những kết quả cũng như hạn chế của Việt Nam trong từng tiêu chí này.

Tính minh bạch

Việt Nam phải đảm bảo cho các nhà đầu tư thấy được sự minh bạch trong môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhờ công khai, minh bạch, các nhà đầu tư và kinh doanh có thể dễ tiên đoán được và từ đó định ra chiến lược kinh doanh có hiệu quả trong môi trường có nhiều bất định của kinh tế và chính trị thế giới.

Về lĩnh vực này, trên cơ sở Hiến pháp 2013, nhiều luật về kinh tế như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách, Luật Đấu thầu… đã tạo ra môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký đã tăng khoảng 30%, cho thấy những chuyển biến chưa từng có. Việc triển khai có kết quả Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014, 2015 đã tạo sự chuyển biến nhất định, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Tuân thủ luật đề ra

Luật được đề ra để thi hành. Tuy nhiên, việc thực thi các quy định pháp luật ở nước ta còn nhiều vướng mắc, ít nhất trên ba phương diện.

Thứ nhất, bản thân các luật lệ đề ra thiếu ăn khớp, chưa đồng bộ, trong đó có nguyên nhân là các luật lệ được hình thành vào các thời điểm khác nhau. Một khi có điều luật cần sửa đổi thì lại sửa đổi riêng rẽ. Ngay công tác quy hoạch phát triển các vùng cũng lập thời điểm khác nhau nên không hình thành quy hoạch thống nhất cả nước.

Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước, vì nhiều nguyên nhân khác nhau thường chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, nhiều khi “bổ sung” thêm quy định kiểu “giấy phép con”, gây khó cho doanh nghiệp và cả người dân.

Thứ ba, một bộ phận cán bộ công chức thiếu mẫn cán, thiếu chuyên nghiệp hoặc để mưu cầu lợi ích riêng đã gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

Đồng tiền ổn định

Đây là yêu cầu quan trọng để việc hạch toán kinh doanh và lên các kế hoạch chiến lược dễ dàng và có độ tin cậy cao. Mấy năm nay, với các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát đã được kiểm soát, đồng tiền đã ổn định hơn và chính sách tỷ giá, lãi suất mới đang hứa hẹn những chuyển biến tích cực. Đây là thành quả quan trọng cần duy trì liên tục trong những năm tới, như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 đã nêu rất đúng.

Đối xử công bằng

Theo tiêu chí này, không được có những quy định phân biệt doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài. Các luật về kinh doanh và đầu tư đã khẳng định ngày càng rõ quan điểm này. Tuy nhiên trên thực tế, do nhận thức chưa thống nhất nên đã hình thành các rào cản rất lớn cho các doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân trong nước trong tiếp cận đất đai, tín dụng. Hệ quả là, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đã bị thua thiệt lớn, không có điều kiện phát triển sản xuất và tham gia thị trường. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tất yếu phải đối xử công bằng với mọi loại hình doanh nghiệp và Việt Nam còn cần phải cải thiện nhiều về vấn đề này.

Không có các khoản chi phi chính thức

Tình trạng “lót tay”, “tham nhũng vặt” và tham nhũng nói chung còn phổ biến, các đánh giá về cảm nhận tham nhũng xếp Việt Nam ở thứ hạng còn thấp. Để phòng chống tham nhũng hiệu quả trong điều kiện tham nhũng ngày càng tinh vi đòi hỏi các ngành, các địa phương và toàn xã hội phải nỗ lực nhiều hơn.

Từ việc chưa được nhiều nước công nhận có nền kinh tế thị trường, Việt Nam nên xem xét lại việc tuân thủ những tiêu chí trên để nỗ lực cải cách mạnh hơn.

Theo GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái- Phó Tổng Thư kí Hội khoa học kinh tế Việt Nam

Báo Chính Phủ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên