MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai mặt của ODA

Việc Cty cổ phần Cảng Đà Nẵng từ chối nhận viện trợ ODA cho dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 đã gây ra ý kiến trái chiều.

Tại cuộc họp Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch Đà Nẵng sáng 27/3/2015, khi bàn về dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2, ông Nguyễn Hữu Sia, TGĐ Cảng Đà Nẵng đã gây bất ngờ lớn khi khẳng định, dự án này đã được thành phố đưa vào danh mục đề nghị Trung ương bố trí vốn ODA từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhưng sau khi cổ phần hóa, đơn vị xét thấy tự huy động được nguồn vốn nên từ chối nguồn vốn này. Bất ngờ, bởi theo lẽ thường tình, việc tiếp nhận vốn ODA luôn là một “niềm vui” mà đôi khi, nhiều địa phương, doanh nghiệp (DN) phải “chạy đủ đường”. Vậy nên việc Cảng Đà Nẵng từ chối nguồn vốn này đã gây ra một “cú sốc”.

Mặt được

Bàn về nguồn vốn ODA và những tác động của nó đến nền kinh tế Việt Nam, ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục ĐTNN-Bộ KH - ĐT chia sẻ: có một nguyên tắc mà ai cũng biết, vốn ODA, luôn là một khoản vay mà chúng ta sẽ phải trả lại trong tương lai, và kèm theo điều kiện cho vay là những điều khoản có lợi cho các nhà thầu đến từ nước cung cấp ODA. Vì thế, đồng vốn ODA luôn có... hai mặt.

Cụ thể, theo ông Thắng, bản chất của ODA là lãi suất thấp, vay dài hạn nhưng đi cùng với nó là những ràng buộc rất chặt chẽ. Nước đi vay không có quyền quyết định số phận gói tiền đó mà phải sử dụng theo đúng mục đích hoặc định hướng của bên cho vay. “Có một nguyên tắc mà ai cũng biết, vốn ODA, luôn là một khoản vay mà chúng ta sẽ phải trả lại trong tương lai và kèm theo điều kiện cho vay là những điều khoản có lợi cho các nhà thầu đến từ nước cung cấp ODA. Riêng Nhật Bản là nước có quan hệ ODA với VN rất chặt chẽ từ những ngày đất nước mới mở cửa, cải cách. Khi sử dụng đồng vốn ODA vay của Nhật, nhìn chung ta phải sử dụng các nhà thầu Nhật cho các công trình. Nếu có đấu thầu thì cũng chỉ là giữa các nhà thầu của Nhật”, ông Thắng nhấn mạnh.

Nhìn vào con số viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam cũng có thể thấy được lời nhận định này. Mới đây, Sách Trắng ODA 2013 của Chính phủ Nhật Bản thống kê, VN hiện là nước nhận ODA lớn nhất của Nhật Bản với 1,64 tỷ USD.

Và nỗi lo

Mặt trái của đồng vốn này là hiện có tới 60 - 70% các công trình ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam đều vào tay các Cty của Nhật Bản. Chính phủ Nhật cho VN vay vốn ODA và đổi lại, các DN của họ nhận được lại số vốn đó khi dự án được triển khai tại VN. Đây cũng chính là nỗi lo của người đứng đầu Cảng Đà Nẵng khi trả lời báo giới nguyên nhân mình từ chối nguồn vốn lớn này.

Theo ông Sia thì nếu triển khai dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 theo nguồn vốn ODA của Nhật Bản lên tới 2.000 tỷ đồng, gồm rất nhiều thứ. “Nếu đầu tư dự án theo phương án ODA thì vốn quá lớn, mà vốn lớn thì nợ nhiều. Cùng với đó, nếu sử dụng ODA, toàn bộ thiết bị, tư vấn... đều là của Nhật Bản đưa sang hết”, ông Sia nhấn mạnh.

Tuy nhiên, xung quanh việc Cảng Đà Nẵng từ chối nguồn vốn ODA cho dự án của mình cũng còn lắm nỗi lo. Đó chính là việc khi từ chối nguồn vốn này thì DN có đủ tiềm lực để thực hiện dự án đến nơi đến chốn hay không khi tổng mức đầu tư cho dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Và khi kế hoạch không thực hiện đươc sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy: nhà nước và DN bị thiệt hại về kinh tế; nhà tài trợ sẽ quay lưng.

Điều này cũng là lo ngại chính của ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Theo ông Thơ, việc từ chối nguồn vốn ODA của Nhật cho dự án này đã đã gây ảnh hưởng đến quan hệ giữa Đà Nẵng với JICA trong khi hiện Đà Nẵng đang cần JICA hỗ trợ một loạt dự án. “Khi từ chối vốn ODA là Cảng Đà Nẵng phải cam kết huy động được vốn để đảm bảo thực hiện dự án đúng tiến độ. Với tốc độ tăng 10-20%/năm như hiện nay, chỉ 5-6 năm nữa lượng hàng qua cảng Tiên Sa sẽ lên tới 10 triệu tấn/năm, nếu không thực hiện kịp giai đoạn 2 thì sẽ gây ách tắc, quá tải”, ông Thơ nói.

Sự lo lắng của người đứng đầu TP Đà Nẵng không phải là không có lý nhưng theo nhiều chuyên gia sử dụng ODA là một sự đánh đổi. Việc tiếp nhận ODA nhiều hơn càng cần phải đi đôi với sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn vốn này. “Từ chối ODA không chỉ là một quyết định “dũng cảm nhưng hợp lý” mà còn là quyết định “sáng suốt”. ODA thực chất là "tiền của Nhật lại về với Nhật"”, một chuyên gia nhận định.

>>>Lý do Cảng Đà Nẵng từ chối vốn ODA

 

Theo Nguyễn Phước

PV

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên