Hàng hóa châu Âu đổ vào Việt Nam đáng lo không?
Việc tiến tới ký kết hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU đặt cộng đồng doanh nghiệp Việt trước những cơ hội mới ...
Tiến sĩ Franz Jessen, đại sứ - trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU), người đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) - khẳng định EVFTA sẽ là nền tảng giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Chiều 11-8, phóng viên Tuổi Trẻ đã có buổi trao đổi với trưởng phái đoàn EU Franz Jessen.
Liệu có khả năng sau khi hai bên ký kết FTA, hàng hóa châu Âu đổ vào Việt Nam sẽ "đe dọa" các nhà sản xuất của Việt Nam?
- Tôi không cho rằng có sự ảnh hưởng lớn hay sự cạnh tranh dữ dội nào. Bởi châu Âu và Việt Nam sản xuất các mặt hàng khác nhau hoàn toàn.
Ví dụ các doanh nghiệp châu Âu tập trung vào các mặt hàng xa xỉ, công nghệ cao… Các doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh với công ty châu Âu ở lĩnh vực này. Trong khi đó, hàng hóa Việt Nam đưa vào châu Âu cũng không chịu sự cạnh tranh của các sản phẩm châu Âu.
Điều tôi mong muốn là các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu của họ. Các nhà xuất khẩu Việt Nam thường dựa vào số lượng. Ví dụ Việt Nam xuất khẩu rất nhiều cà phê, đứng thứ hai trên thế giới, nhưng giá trị của mặt hàng cà phê không lớn.
Tôi hi vọng Việt Nam sẽ nỗ lực dịch chuyển từ xuất khẩu hàng hóa có giá trị thấp sang hàng hóa có giá trị cao. Đây chắc chắn không phải là điều dễ dàng và sẽ mất nhiều thời gian. Tuy nhiên tôi hi vọng và tin tưởng Việt Nam sẽ làm được điều đó.
Nhiều người cho rằng EU với những loại hàng hóa xuất khẩu giá trị cao sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ FTA so với Việt Nam chỉ chủ yếu xuất khẩu hàng hóa giá trị thấp?
- Chúng ta cần nhớ rằng xuất khẩu của Việt Nam vào EU cao gấp ba lần xuất khẩu của EU vào Việt Nam. Thặng dư thương mại của Việt Nam đối với EU luôn luôn cao.
Tôi cũng phải nhấn mạnh rằng trong các vòng đàm phán FTA, các nhà đàm phán Việt Nam đã thể hiện được bản lĩnh và năng lực rất cao. Họ đã đảm bảo được tối đa những lợi ích của Việt Nam.
Hơn nữa, như tôi đã nói, Việt Nam xuất khẩu vào EU chủ yếu các mặt hàng điện tử như điện thoại di động hay máy tính bảng, và các mặt hàng truyền thống như nông sản. Các doanh nghiệp EU không cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam ở những lĩnh vực này.
Ví dụ ở châu Âu không có nhiều nhà sản xuất hàng điện tử lớn, không có nhiều nhà sản xuất cà phê. Các mặt hàng đó của Việt Nam khi được đưa sang EU hoàn toàn không phải đối mặt với sự cạnh tranh và có chỗ đứng vững chắc ở thị trường châu Âu.
Tôi tin tưởng vào sức mạnh và lòng quyết tâm của người Việt Nam. Tôi hi vọng cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam sẽ phát triển mạnh, hàng hóa Việt Nam sẽ vươn ra phạm vi toàn cầu.
Dòng đầu tư của EU sẽ chảy vào Việt Nam như thế nào sau FTA?
- Chúng tôi hi vọng sau FTA, các nhà đầu tư châu Âu sẽ đến Việt Nam nhiều hơn nữa. Không chỉ trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất mà trong cả các lĩnh vực châu Âu rất có thế mạnh như dịch vụ tài chính.
Chúng ta cần biết rằng các doanh nghiệp châu Âu đến đầu tư tại Việt Nam không phải vì lý do giá lao động Việt Nam rẻ.
Do đó, các công ty châu Âu sẽ tiếp tục duy trì đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam kể cả khi chi phí lao động tại Việt Nam gia tăng.
Tiến sĩ Franz Jessen đã kết thúc nhiệm kỳ bốn năm ở Việt Nam và sẽ chuyển sang Manila (Philippines) làm việc trong thời gian tới. Ông được đánh giá là người đã đưa ra nhiều sáng kiến giá trị, giúp thúc đẩy việc EU thông qua chương trình hợp tác phát triển trị giá 400 triệu euro cho Việt Nam từ năm 2014 đến 2020.
Ông cũng có những đóng góp to lớn trong việc gắn kết quan hệ chính trị EU - Việt Nam. Ông là nhân tố xúc tác giúp đẩy nhanh Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện EU - Việt Nam tháng 6-2012.
Ông cũng chủ động thể hiện quan điểm của EU về Biển Đông, trong đó có tuyên bố của EU về Biển Đông sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 đến vùng thềm lục địa Việt Nam tháng 5-2014.
HIẾU TRUNG thực hiện
Tiến sĩ NGUYỄN MINH PHONG:
Thách thức mới để vượt qua hàng rào kỹ thuật vào EU
Sau gần ba năm đàm phán, với 14 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ ở cấp bộ trưởng, cấp trưởng đoàn và các nhóm kỹ thuật, ngày 4-8-2015 Việt Nam và EU đã công bố việc kết thúc cơ bản đàm phán và sẽ tổ chức ký kết trong năm 2015 Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA).
EU - một thị trường rộng lớn với 28 quốc gia thành viên hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2, một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất, cũng như là nguồn FDI và ODA lớn của Việt Nam.
Năm 2014, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt hơn 36,8 tỉ USD, tăng 9% so với năm 2013. Trong đó, xuất khẩu sang EU đạt gần 28 tỉ USD và nhập khẩu từ EU đạt gần 9 tỉ USD. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của VN sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản.
Hiện có 23/28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với hơn 2.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 37 tỉ USD tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.
Một hiệp định toàn diện về mở cửa thị trường, hải quan, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, môi trường, cạnh tranh, quy tắc xuất xứ, các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT)… nếu được ký kết sẽ có tác động tích cực rất lớn đến từng ngành và toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Số liệu xuất - nhập khẩu giữa VN và EU từ năm 2010 đến 2014 - Đồ họa: Tấn Đạt
Với cơ cấu kinh tế có tính bổ sung cao và quy mô, tiềm năng phát triển đầu tư của EU, các doanh nghiệp cần chủ động khai thác các cơ hội mới từ môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng, thu hút các nguồn vốn đầu tư chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam.
Đồng thời, đẩy mạnh xuất nhập khẩu những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ôtô, xe máy, đồ uống có cồn, một số loại nông sản của EU.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm cơ hội và tham gia chuỗi cung ứng mới, trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực; tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực của Việt Nam.
Có thể có sự gia tăng nhất định cạnh tranh ngay trên sân nhà cho một số sản phẩm nông sản và cơ khí nhập khẩu từ EU, cũng như những thách thức mới về vượt qua hàng rào kỹ thuật ngày càng cao khi xuất khẩu sang EU… nhưng đó là tất yếu và có lợi cho người tiêu dùng cả về giá cả và chất lượng sản phẩm, tạo áp lực đổi mới công nghệ và phương thức kinh doanh cho doanh nghiệp trong nước lên một tầm cao mới trên hành trình đổi mới, hội nhập và phát triển.
Việc ký kết hiệp định này sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh của công ty. Tuy nhiên, hàng nội địa cũng có nhiều rủi ro, thuế suất 0% xuất đi - nhập về như nhau nên cạnh tranh giữa các mặt hàng cũng cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Thắng, đại diện Công ty cổ phần dệt may đầu tư thương mại Minh Thắng
Tránh hiện tượng trở thành người đi làm thuê
Chúng ta đưa hàng vào thị trường các nước ký kết hiệp định, bán theo giá thị trường của họ với mức thuế 0% chắc chắn lợi thế lớn.
Mở cửa cho đối tác nhưng không được ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và sản xuất trong nước. Quan trọng là tận dụng được lợi thế.
Với ngành dệt may, chúng ta có lợi thế là lực lượng lao động nhưng nguyên liệu thì vẫn phải nhập. Chúng ta phải chuẩn bị, đáp ứng được rào cản kỹ thuật, tìm được nguyên liệu rẻ, tránh hiện tượng trở thành người đi làm thuê, gia công.
Về nông nghiệp, chi phí đầu vào cao, chất lượng sản phẩm, vấn đề áp dụng kỹ thuật là những rào cản của chúng ta. Hiệu quả, năng suất lao động trong nông nghiệp của chúng ta hiện cũng rất thấp.
Ký hiệp định đàm phán không thể được lợi hoàn toàn, vì thế các ngành phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Cần những chương trình, sự định hướng, tạo điều kiện cụ thể để chi phí giảm đi, dịch vụ và chất lượng tốt hơn.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Tuổi trẻ