Hậu kiểm doanh nghiệp: Biện pháp hạn chế tình trạng “3 không”
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Hệ thống thông tin đăng ký DN quốc gia sẽ được hoàn thiện trong quý IV/2012 để có đủ khả năng làm đầu mối cung cấp thông tin pháp lý về đăng ký DN.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Tứ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong số các phiếu khảo sát gửi tới doanh nghiệp thông qua địa chỉ do doanh nghiệp đăng ký tại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tỷ lệ bị trả lại do địa điểm đăng ký không tồn tại, cũng như doanh nghiệp không còn tại địa chỉ kinh doanh chiếm khá lớn.
“Chúng tôi đang tiến hành kiểm tra những trường hợp này để xác định, thực chất doanh nghiệp di chuyển địa điểm, hay đã không còn hoạt động mà không tiến hành các thủ tục theo quy định”, ông Tứ cho biết và nhận định, có thể nhiều doanh nghiệp đã di chuyển địa điểm kinh doanh mà không thông báo, nhưng với trường hợp đăng ký sai địa điểm hoạt động ngay từ ban đầu đã chứng tỏ, nhiều doanh nghiệp không ý thức trách nhiệm về cung cấp thông tin theo yêu cầu của pháp luật.
“Thực tế này là minh chứng rõ nét nhất của tình trạng “3 không” trong quản lý doanh nghiệp sau đăng ký đối với khu vực FDI, đó là cơ quan quản lý không biết rõ chủ đầu tư, không biết địa điểm đầu tư và không biết doanh nghiệp hoạt động như thế nào”, ông Tứ nói. Cũng chính cơ chế quản lý “kiểu 3 không” này mà ông Tứ thừa nhận, tỷ lệ doanh nghiệp phản hồi đầy đủ các phiếu khảo sát của cơ quan nhà nước cũng thấp và với nội dung thông tin thiếu.
Điều đáng nói là, hiện tượng trên tại Hà Nội không phải là cá biệt ở các thành phố, đô thị có số lượng doanh nghiệp lớn, bao gồm cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Với chất lượng thông tin khảo sát được dự liệu trước là không cao, chất lượng của cuộc khảo sát với mục tiêu chấn chỉnh lại hoạt động quản lý doanh nghiệp FDI mà Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện rốt ráo theo Chị thị 1617/CT-TTg rất khó đạt được mục tiêu như mong đợi.
Thực ra, những rối rắm này không có gì lạ trong hoạt động hậu kiểm sau đăng ký của khu vực doanh nghiệp trong nước.
Cho tới thời điểm này, khi báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình doanh nghiệp, ông Lâm Nguyên Khôi, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng chia sẻ nỗi lo lắng khi bị phê bình là cơ quan “cho doanh nghiệp ra đời” mà không nắm được tình hình sức khoẻ của doanh nghiệp. “Số doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động đến Sở Kế hoạch và Đầu tư là 788 doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm, song theo số liệu của Cục Thuế TP.HCM thì số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động lên tới 9.665 doanh nghiệp”, ông Khôi thừa nhận, sự khác biệt giữa các con số là quá lớn, ảnh hưởng nhiều tới việc thực hiện trách nhiệm đề xuất cơ chế chính sách.
Hiện tại, theo ông Tứ, để giải quyết trước mắt sự chưa thống nhất về mặt số liệu, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội phải chủ động làm việc với Cục Thuế TP. Hà Nội để thống nhất con số chính xác. “Con số chính xác hiện mới được tính đến tháng 4/2012, theo đó Hà Nội có 5.310 doanh nghiệp ngừng hoạt động, trong đó phá sản, giải thể là 354 doanh nghiệp, tạm nghỉ kinh doanh là 2.494 doanh nghiệp, đang chờ làm giải thể là 630 doanh nghiệp”, ông Tứ cho biết.
Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp tạm thời. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trong Đề án Đổi mới quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập, các cơ quan liên quan đến hoạt động này sẽ phải ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào công tác đăng ký doanh nghiệp, đặc biệt là trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Về lâu dài, Cơ sở dữ liệu này sẽ được kết nối trực tuyến và chia sẻ đầy đủ dữ liệu pháp lý về doanh nghiệp cho mọi cơ quan quản lý nhà nước khác, cũng như thực hiện yêu cầu công bố rộng rãi và công khai các thông tin về đăng ký doanh nghiệp để mọi doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận đượcn
Theo Khánh An
Báo đầu tư