MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiệp định FTA sẽ giúp Việt Nam thu hút các luồng đầu tư mới

VN sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế trong một số lĩnh vực xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản và giày dép; đồng thời tăng khả năng tiếp cận thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ.

Sáng ngày 12/11 tại Hà Nội, Bộ Công thương phối hợp với Liên minh Châu Âu EU đã tổ chức Hội nghị khai trương Dự án năng lực thương mại Việt Nam – Tọa đàm về tác động của FTA Việt Nam – EU đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Dự án nhằm hỗ trợ VN hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu, ASEAN và hợp tác tiểu vùng, tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa VN và EU; tối đa hóa lợi ích của quá trình phát triển kinh tế, bao gồm tăng trưởng kinh tế toàn diện và xóa đói giảm nghèo.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Jean Jacques Bouflet, Tham tán thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết “Vào tháng 6/2012, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức đưa ra đàm phán một thỏa thuận thương mại toàn diện và thỏa thuận này dự kiến sẽ kết thúc trong vài tháng tới”.

Hiện nay EU đang là một đối tác thương mại lớn của VN, tổng kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU năm 2013 đạt 21,3 tỷ Euro. Theo thống kê, khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, trong khi 13% hàng nhập khẩu của VN có nguồn gốc từ EU. Trong quan hệ giao thương với EU, Việt Nam đã đạt thặng dư thương mại và mức thặng dư này ngày càng tăng cao.

Từ năm 2009 đến nay, trung bình xuất khẩu từ VN sang EU tăng 28% mỗi năm, trong khi đó nhập khẩu tăng trưởng khoảng 11%. Thặng dư thương mại tăng khoảng 39% nhờ hiệu ứng ròng trong cán cân thương mại.

Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu là điện thoại di động, giày dép, đồ gỗ, thủy sản đông lạnh và cà phê. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ EU các mặt hàng như máy bay, tàu du lịch, xe có động cơ và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

Ông Jean cũng cho biết, theo các nghiên cứu của Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại Đa biên (EU-MUTRAP), Hiệp định FTA Việt Nam – EU sẽ có tác động tích cực đối với nền kinh tế VN. Đặc biệt, VN sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế trong một số lĩnh vực xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, giày dép; đồng thời tăng khả năng tiếp cận thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ.

Bên cạnh đó, Hiệp định FTA Việt Nam – EU cũng sẽ có tác động quan trọng đối với các luồng vốn đầu tư vào VN. Việc cắt giảm thuế xuất khẩu từ VN sang EU tạo động lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những đơn vị sản xuất sản phẩm trung gian tích cực tham gia vào thị trường xuất khẩu.

Do vậy, để khai thác triệt để lợi ích mà Hiệp định FTA Việt Nam – EU mang lại, các doanh nghiệp VN phải tăng cường khả năng nắm bắt nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng EU. Đồng thời, các doanh nghiệp cần phải chủ động và tích cực tham gia vào hệ thống phân phối của EU; cũng như liên kết với nhau để có đủ nguồn lực về tài chính và năng lực cạnh tranh.

AEC: Cánh cửa mới cho nền kinh tế Việt Nam cất cánh?

Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên