MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiệp hội Xăng dầu “xin” cho Lọc hóa dầu Bình Sơn hưởng ưu đãi thuế đặc biệt

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) vừa có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính - Công Thương cho phép nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất được hưởng các chính sách thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.

Theo cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc (Hiệp định ACFTA) và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc (Hiệp định AKFTA), Việt Nam phải thực hiện Lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu từ năm 2011.

Đồng thời, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn vào năm 2024 đối với Hiệp định ATIGA; từ 1/1/2012 đến 31/12/2018 đối với Hiệp định ACFTA; từ 1/1/2012 đến 31/12/2021 đối với Hiệp định AKFTA. Đối với các Hiệp định thương mại hàng hóa còn lại, mặt hàng xăng dầu được bảo lưu ở mức thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành (mức thuế MFN).

Theo đó, Bộ Tài chính đã có Thông tư 165 ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện theo cam kết trong ASEAN. Năm 2015 thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với diesel là 5%, dầu hỏa là 5%, nhiên liệu phản lực (Zet A1) là 5%, Mazut là 0% và từ năm 2016 các mặt hàng này sẽ về 0%.

Tuy nhiên, khi nhập khẩu xăng dầu, cùng với thực hiện Thông tư 165, các đầu mối nhập khẩu xăng dầu đang thực hiện theo Thông tư 78 về “Sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi”.

Cụ thể, thuế nhập khẩu diesel là 10%, dầu hỏa là 13%, Zet A1 là 10%, Mazut là 10%. Như vậy cùng một mặt hàng có hai mức thuế nhập khẩu song song tồn tại.

Do đó, VINPA cho rằng để thuận lợi cho các DN trong đàm phán ký kết các Hợp đồng thương mại có lợi nhất từ các nguồn cung trên thế giới, cần thống nhất một mức thuế nhập khẩu đối với xăng dầu theo hướng điều chỉnh mức thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành bằng mức thuế ưu đãi đặc biệt theo các cam kết quốc tế.

Trong công văn do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam gửi đến Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, cơ quan này kiến nghị có lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với diesel từ 10% xuống còn 5%, dầu hỏa từ 13% xuống còn 5%, Zet A1 từ 10% xuống còn 5%, Mazut từ 10% còn 0%, theo đúng tinh thần Thông tư 165.

Với trường hợp của Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BRS) quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất, VINPA cho rằng mức chênh lệch thuế giữa Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đã không khuyến khích sản xuất trong nước.

“Các sản phẩm của Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ đứng trước nguy cơ không bán được hàng”, VINPA đánh giá.

Do đó, Hiệp hội kiến nghị Liên bộ Công Thương-Tài chính cho phép BSR cũng được hưởng các chính sách về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt nhằm khuyến khích sản xuất trong nước để giúp Nhà máy Dung Quất vận hành ổn định.

 

Linh Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên