MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 1 triệu người thiếu nước đón tin vui khi Liên Hợp quốc hỗ trợ Việt Nam chống biến đổi khí hậu

Trước tình hình hạn hán, xâm ngập mặn đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng nên Việt Nam đã được Liên Hợp Quốc đề nghị sẽ hỗ trợ chống biến đổi khí hậu.

Đây là chương trình có quy mô toàn cầu và Việt Nam chưa bao giờ có trong danh sách này. Do đó, theo thông tin được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đưa ra thì trong tháng 5 tới đây Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ tới thăm và kiểm tra khảo sát về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Việt Nam để có chương trình hỗ trợ.

Dự kiến Liên Hợp quốc sẽ đứng ra phát động kêu gọi toàn cầu để hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng bởi El Nino và muốn đưa tên Việt Nam vào danh sách các nước hỗ trợ. Từ trước nay ta chưa bao giờ tham gia vào, nên đề nghị Thủ tướng cho phép để thông báo cho Liên hợp quốc có kêu gọi chính thức” – Bộ trưởng cho biết.

Thông tin này được người đứng đầu ngành nông nghiệp đưa ra, được xem là tin vui với người nông dân ở vùng hạn hán Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và vùng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Bộ trưởng, diễn biến thời tiết bất lợi trong các tháng đầu năm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt.

Cụ thể, sản xuất nông nghiệp đã ghi nhận mức tăng trưởng âm với 1,36%, chủ yếu đến từ trồng trọt, âm tới 6% trong khi chăn nuôi tăng 4,2%, lâm nghiệp và thủy sản tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do hạn hán, xâm nhập mặn và thời tiết bất thường.

Dẫn chứng là Đồng bằng sông Cửu Long có 210.000 ha lúa bị thiệt hại (tương đương với 1 triệu tấn); Tây Nguyên có 4 triệu ha cà phê hồ tiêu có nguy cơ bị thiệt hại. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết là tình hình còn nghiêm trọng hơn và hiện giờ chưa phải là đỉnh điểm của khô hạn.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng cho biết là đã liên hệ với 2 nước là Trung Quốc và Lào để xả nước. Được biết, đến nay nguồn nước từ Trung Quốc đã về đến Lào và chỉ còn cách Việt Nam 8km. Dự kiến đến 3/4 nguồn nước sẽ về đến Việt Nam, giúp cho xâm ngập mặn được đẩy lùi về biển.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay những địa phương bị tác động chủ yếu là trong vùng sông Mê Kông, còn lại các địa phương nằm dọc sông Tiền sông Hậu sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc xả nước từ phía bạn.

Hiện nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã họp và chỉ đạo trực tiếp. Đồng thời, Bộ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo quyết liệt điều chỉnh cơ cấu thời vụ, gieo trồng và làm việc sâu sát với người nông dân, đảm bảo vụ hè thu đạt kết quả cao nhất bù cho vụ Đông Xuân.

Có chính sách bảo vệ cây lâu năm trên Tây Nguyên. Hiện nay các hồ chứa tại Tây Nguyên đã không còn nước, nhiều sông suối cũng cạn kiệt nguồn nước, nên các bộ ngành sẽ họp để bàn tới giải pháp sinh học để khắc phục cho cây trồng.

Ngoài ra, tập trung mạnh hơn phát triển chăn nuôi, thủy sản để bù lại trồng trọt. Bởi theo Bộ trưởng, nếu không làm tốt công tác sản xuất, điều chỉnh cho phù hợp thì năm nay có thể tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng trở lại.

“Tới giờ này hơn 1 triệu người bị thiếu nước và đang chờ nước để cung cấp. Đề nghị Chính phủ có hỗ trợ chương trình chống ngập, hạn hán với tổng số tiền 538 tỷ đồng và cấp cho địa phương 10.000 tấn gạo” – Bộ trưởng Phát đề nghị.

Đồng tình với việc Liên Hợp Quốc hỗ trợ Việt Nam trong chống biến đổi khí hậu, chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành địa phương trong kế hoạch tài chính trung hạn sắp tới, ưu tiên ngân sách cho công tác này. Đồng thời, trước mắt cần hỗ trợ người dân vùng gặp thiên tai, đảm bảo không để thiếu nước, thiếu đói và ổn định đời sống.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên