MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Icor giảm nên mừng hay lo

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, kinh tế năm 2013 cũng như 3 năm 2011 – 2013 có cả điểm sáng và điểm tối đan xen nhau.

Trước sự vận động của thị trường, với nhiều biến động, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất chuyển từ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh sang mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát...

Sáng nay (24/10) các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, định hướng năm 2014 và cho cả giai đoạn 2011 – 2015.



Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường

Thảo luận ở tổ của đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường – Chủ tịch tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group) đã đưa ra những nhìn nhận về tình hình kinh tế ở góc độ là người làm doanh nghiệp (DN).

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, kinh tế năm 2013 cũng như 3 năm 2011 – 2013 có cả điểm sáng và điểm tối đan xen nhau. Trước sự vận động của thị trường, với nhiều biến động, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất chuyển từ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh sang mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội.

Với mục tiêu trên, đến nay chúng ta đã cảm nhận được điểm sáng năm 2013 là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Sao lại thất thu hơn 63 nghìn tỷ đồng?

“GDP quý sau cao hơn quý trước và nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, thúc đẩy tinh thần của DN hơn. Chỉ số cán cân thương mại đã được cải thiện, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng, tạo cán cân thanh toán thặng dư lớn, tỷ giá ổn định, mặt bằng lãi suất đã giảm”, nữ đại biểu của Hà Nội đánh giá.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu càng làm bộc lộ thêm những điểm yếu vốn có của nền kinh tế trong nước.

“Tôi cho rằng, đánh giá của Chính phủ có phần hơi lạc quan và hơi màu hồng quá.” – Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường chia sẻ và cho rằng, năm nay GDP dự kiến đạt 5,4% thì không chênh lệch nhiều so với mục tiêu 5,5%. Nhưng nếu nhìn GDP ở góc độ tạo việc làm, thu NSNN thì cần được phân tích làm rõ.

GDP tăng như vậy nhưng tại sao lại thất thu hơn 63 nghìn tỷ đồng, không có lẽ gì trong rất nhiều năm GDP tăng cao hơn hiện nay nhưng chỉ tạo việc làm được cho 1,6 triệu lao động, và năm nay cũng vẫn tạo việc làm cho gần 1,6 triệu lao động. “Vậy chất lượng lao động, việc làm ở thành thị và nông thôn như thế nào? “ – Vị nữ đại biểu đặt câu hỏi.

Tích lũy trong người dân đi xuống

Theo Nghị quyết Quốc hội, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2013 là 30% nhưng năm nay chỉ đạt 29,1%. Nguồn vốn đầu tư này bao gồm của Nhà nước, của DN tư nhân, dân doanh và nước ngoài. “Hiện nay, đầu tư nước ngoài vẫn giữ nhịp điệu nhưng ở khối DN dân doanh và người dân đang đi xuống.

Điều đó chứng tỏ sự tích lũy trong người dân đi xuống. Và tổng đầu tư toàn xã hội không tăng được sẽ kéo theo dây chuyền khác tác động theo.” – đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường lo lắng.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội thì chỉ số Icor (hệ số sử dụng vốn) đã giảm từ 6,7 giai đoạn 2008 - 2010 xuống còn 5,53 so với giai đoạn 2008 – 2010.

Rõ ràng, nếu Icor thế này thì rất vui, mặc dù so với chuẩn thế giới (2,3-2,8%) còn cao, nhưng năm 2013 đầu tư công giảm sút, câu hỏi đặt ra là có phải do đầu tư công giảm sút nên chỉ số Icor giảm xuống hay không. “Câu hỏi này nếu Chính phủ làm rõ thêm thì đại biểu rất phấn khởi”. – bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho hay.

Lý giải về việc DN và ngân hàng đang nhìn nhau mà không biết lỗi do đâu, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường phân tích, hiện ngân hàng cầm tiền huy động của người dân nhưng lại không cho vay ra được. Đó là lý do giải thích tại sao trái phiếu Chính phủ đắt khách, mặc dù lãi suất trái phiếu cực thấp.

Với DN muốn vay thì ngân hàng rất rụt rè không dám cho vay, vì những chỉ số của DN đó không đảm bảo. Còn DN mà ngân hàng muốn cho vay thì không vay vì sản phẩm không bán được. “Đây là điểm nghẽn nền kinh tế cần tập trung giải quyết.” – bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường kiến nghị.

Theo Quang Cảnh

cucpth

Thời báo Ngân hàng

Trở lên trên