MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó khăn hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN năm 2015

2015 là một cột mốc trong kế hoạch hiện thực hóa AEC trong dài hạn.

2015 được coi là một năm bản lề đối với công cuộc xây dựng Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột chính là Cộng đồng an ninh-chính trị, Cộng đồng kinh tế và Cộng đồng văn hóa-xã hội. Cho đến nay, các nước thành viên ASEAN đang tập trung hiện thực hóa Cộng đồng  kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015. AEC có thị trường hơn 600 triệu người và nền kinh tế đem lại 2,4 nghìn tỉ USD mỗi năm.

AEC bắt nguồn từ bản Tuyên bố “Tầm nhìn ASEAN 2020” được kí kết vào năm 1997, lúc ASEAN kỉ niệm 30 năm thành lập. Mục tiêu chính của AEC là tạo ra một thị trường thống nhất toàn khối ASEAN, trong đó hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư và lao động có thể tự do di chuyển. Lúc đầu thời hạn đặt ra cho kế hoạch này là đến năm 2020, tuy nhiên bản Tuyên bố Cebu năm 2007 đã kéo nó lùi xuống 5 năm.

Theo thông số của Chỉ số AEC công bố năm 2012, 4 mục tiêu chính của AEC đều đã đạt được những tiến triển đáng kể bao gồm: thị trường thống nhất (65,9%); sức cạnh tranh kinh tế của khu vực (67,9%); trình độ phát triển kinh tế đồng đều (66,7%); hội nhập với kinh tế thế giới (85,7%). Đến tháng 8/2013, đã có khoảng 77,5% mục tiêu được hoàn thành.

Tuy nhiên khi thời hạn 2015 cán đích, có vẻ ASEAN sẽ khó đạt được toàn bộ các mục tiêu đề ra. Ban Thư ký ASEAN chưa đủ nguồn lực hay khả năng cáng đáng núi công việc khổng lồ. Trong năm 2013, ngân sách của Ban thư ký ASEAN là 16 triệu USD, số lượng nhân viên thuộc Ban Thư ký ASEAN là khoảng 300 người; để so sánh, Ủy ban châu Âu (EC) có khoảng 34 nghìn nhân viên với ngân sách khoảng 4,3 tỉ USD trong năm 2012.

Một số quốc gia có trình độ phát triển kinh tế thấp lo ngại sự xâm nhập của các nền kinh tế mạnh hơn. Chính phủ Indonesia lo ngại về viễn cảnh thị trường trong nước bị hàng hóa ngoại nhập tràn, với tình trạng nhập siêu tiếp diễn trong mấy năm gần đây. Tổng thống Joko Widodo đã đề cập khả năng tăng cường các biện pháp bảo hộ ngành sản xuất nội địa trong một cuộc tranh luận bầu cử vào tháng 6 năm ngoái.

Mới đây, Indonesia đã từ chối phê chuẩn thỏa thuận đa phương về dịch vụ vận tải hàng không của ASEAN, đồng nghĩa với việc ngăn cách thị trường hàng không của nước này với toàn khối. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Indonesia hiện nay chưa có nhận thức đầy đủ về các cơ hội và thách thức khi AEC hình thành; đa phần cho rằng sức cạnh tranh của họ chưa đủ mạnh để chiếm lĩnh thị phần trong nước với gần 250 triệu người.

Các thành viên có nền kinh tế phát triển ở mức cao trong khu vực sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ các ngành sản xuất hiện đại như công nghiệp nặng, hóa chất, dược phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng và các ngành dịch vụ khác… Nhưng Singapore lại lo ngại một chính sách nhập cư tự do hơn có thể du nhập các phần tử Hồi giáo cực đoan vào nước này.

Trong trường hợp của Việt Nam, để thu hẹp khoảng cách về trình độ sản xuất với các nước trong khu vực, trước hết cần tập trung vào các ngành sản xuất mũi nhọn như giày dép, dệt may, điện tử, phần mềm và chế biến thực phẩm… Từ đó thiết lập cơ sở cho các ngành sản xuất trình độ cao hơn, phát triển từng bước thành một nền sản xuất có hàm lượng tri thức cao, đem lại lợi ích kinh tế cho xã hội.

Đặc biệt phải phát huy thế mạnh của Việt Nam một quốc gia biển, mà ít quốc gia Đông Nam Á nào có – đó là 1 triệu km2 biển, thâm canh trên từng km2, tạo ra các hải sản nâng cao thị phần của sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Mặt khác, do các hàng rào thuế quan khắt khe và các hình thức trợ cấp cho khối doanh nghiệp nhà nước sẽ dần được bãi bỏ, thành phần kinh tế tư nhân sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế trong khối. Để tận dụng được hết lợi ích kinh tế từ khối tư nhân, chính phủ cần thiết lập, bổ sung và cập nhật các quy chế kinh doanh phù hợp, cũng như đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.

Trong năm 2015, Malaysia sẽ giữ ghế Chủ tịch luân phiên của ASEAN, được kì vọng sẽ có đóng góp tích cực cho việc hình thành AEC. Họ đã đưa ra một kế hoạch làm việc khá tham vọng. Các mục tiêu hội nhập trong kế hoạch hiện thực hóa AEC sẽ được Malaysia ưu tiên hàng đầu. Malaysia đã thiết lập một hành lang dành riêng cho công dân ASEAN ở các sân bay của mình.

Bên cạnh việc tiếp tục tiến tới các mục tiêu AEC, Malaysia sẽ thúc đẩy quá trình đàm phán thỏa thuận Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) và tìm kiếm các khoản hỗ trợ từ Ngân hàng Phát triển Hạ tầng châu Á (AIIB) của Trung Quốc. Các cơ chế ASEAN cũng sẽ được tập trung củng cố và hoàn thiện; mức đóng góp của các thành viên với ASEAN sẽ được xem xét tăng lên trong thời gian tới nhằm cung cấp thêm nguồn lực cho các cơ quan chủ chốt như Ban Thư ký ASEAN. Tuy vậy, vẫn có những câu hỏi đặt ra về việc liệu Malaysia có đủ uy tín và nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu đầy tham vọng của mình hay không.

Kế hoạch hiện thực hóa AEC vẫn là một mục tiêu dài hạn, 2015 chỉ là một cột mốc; các thành viên sẽ tiếp tục xây dựng, bổ sung và sửa đổi các bộ luật trong nước cũng như các cơ chế hợp tác khu vực để thích ứng tốt hơn với quá trình hội nhập khu vực.

>>>Năm 2015: Thách thức mang tên FTA, AEC

Theo Trần Khắc Thành

PV

Toquoc.gov.vn

Trở lên trên