Khởi công xây lò cao “siêu” Dự án Khu liên hợp gang thép Formosa
"Siêu” Dự án Khu liên hợp gang, thép Formosa có tầm cỡ quốc gia, với tổng mức đầu tư 15 tỷ USD (gồm 2 giai đoạn).
"Siêu” Dự án Khu liên hợp gang, thép Formosa có tầm cỡ quốc gia, với tổng mức đầu tư 15 tỷ USD (gồm 2 giai đoạn). Việt Nam đã dành cho nhà đầu tư 3.318,72 ha (trong đó diện tích đất liền 2.025,37 ha, diện tích mặt nước là 1.293,35 ha) với thời gian thuê đất là 70 năm để thực hiện Dự án.
Dự án bao gồm các hạng mục chính là nhà máy luyện gang thép, hệ thống cảng biển nước sâu có năng lực cập tàu 300.000 tấn. Nhà đầu tư sẽ xây nhà máy nhiệt điện với công suất 2.150 KW để phục vụ nội bộ và hòa lưới điện quốc gia. Cùng lúc sẽ xây dựng khu văn phòng làm việc, khu chuyên gia, khu ký túc xá của cán bộ, công nhân viên...
Giai đoạn I, FHS sẽ xây dựng cảng chuyên dùng Sơn Dương thành cảng quốc tế, diện tích khoảng 926,53 ha, với 11 bến đủ năng lực cập tàu 300.000 tấn. Đây là sự phối hợp với quy mô mà nhà máy thép giai đoạn I là 7,07 triệu tấn phôi thép/năm. Cùng lúc với việc xây dựng cảng và nhà máy, FHS sẽ xây nhà máy nhiệt điện phục vụ dự án, đồng thời xây dựng khu văn phòng làm việc, khu chuyên gia và ký túc xá với đủ tiện nghi sinh hoạt cho trên 10.000 người.
Theo Ban quản lý FHS, Dự án sẽ sử dụng các thiết bị lớn, như lò cao 4.350 m3, quy trình sản xuất tự động hóa tiên tiến, giảm đáng kể giá thành sản xuất. Sau khi hoàn thành, Nhà máy gang, thép Formosa sẽ trở thành nhà máy thép với quy mô lớn nhất trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.
Đến lúc này, các hạng mục công trình trên đại công trường Sơn Dương - Vũng Áng đang được triển khai đồng bộ. Việc san lấp mặt bằng giai đoạn I đã hoàn tất. Công trình xây dựng cảng chuyên dùng 300.000 tấn đã đi già nửa chặng đường. Hệ thống ký túc xá, văn phòng, khu chuyên gia đang hối hả thi công. Thiết bị công nghệ tiên tiến cho nhà máy thép, nhà máy nhiệt điện và cảng biển đã ký hợp đồng mua tại các quốc gia, chỉ đợi ngày nhập cảng Sơn Dương.
Để có được sự khởi đầu trong việc đặt mốc son của Dự án vào ngày 2/12 tới, ngoài sự nỗ lực từ phía chủ đầu tư Formosa, không thể không nói đến sự chia sẻ, sự nỗ lưc đồng hành của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hàng ngàn hộ dân đã phải nhường đất, nhường biển cho nhà đầu tư, tình nguyện đến nơi ở mới.
Phải đánh giá cao tính vĩ đại của công trình này không chỉ Hà Tỉnh, mà ở tầm quốc gia, khi Đảng và chính quyền Hà Tĩnh đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị, huy động hàng chục vạn ngày công hỗ trợ bà con di dời và làm nhà tại nơi ở mới với thời gian cả năm trời. Hệ thống các khu tái định cư đã tạo ra một chuỗi đô thị phía nam Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho hàng ngàn hộ dân, với cơ sở hạ tầng, điện đường, trường, trạm, hệ thống cấp nước... khá đầy đủ.
Hà Tĩnh còn phải dồn sức huy động tài, lực cho chính sách yên dân vùng tái định cư như hỗ trợ lương thực, tiền điện nước, học nghề; chuyển đổi ngành nghề từ thuần ngư sang thuần nông; giải quyết hàng ngàn con em vùng ảnh hưởng bởi Dự án, vùng tái định cư có việc làm tại khu kinh tế hoặc xuất khẩu lao động.
Dẫu đời sống của bà con vùng tái định cư mới tạm ổn định, song nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền Hà Tĩnh, trong đó có sự đóng góp, quyên tặng của FHS là chứng tích đáng ghi nhận.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, đến thời điểm này, FHS đã huy động gần 2 tỷ USD vốn cho các hạng mục công trình. Việc tạo dựng nền móng đang từng bước hình thành.
Các nhà hoạch định kinh tế chiến lược quốc gia cho rằng, khi nhà máy luyện gang, thép và hệ thống cảng biển Sơn Dương đi vào hoạt động sẽ giúp ổn định cơ bản thị trường thép, giảm thiểu nhập siêu thép trong những năm qua.
Khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh sẽ tạo sự kích hoạt cho chuỗi mắt xích các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu vực miền Trung. Riêng với Hà Tĩnh sẽ giải quyết hàng vạn con em vào làm việc tại khu nhà máy. Các hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ, hoạt động phụ trợ, các vệ tinh cung ứng lương thực, thực phẩm tại các vùng chuyên canh theo đó phát triển. Ngân sách hàng năm sẽ gia tăng đáng kể.
Xét về mặt địa lý, hệ thống cảng biển nước sâu Vũng Áng và Sơn Dương là vị thế đắc lợi cho Hành lang kinh tế Đông - Tây (nối Việt - Lào - Thái Lan và Myanmar).
Đặc biệt là vùng 8 tỉnh, 3 nước có sử dụng đường 12 và đường 8 thông qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Cách đây chưa lâu, trong cuộc tiếp xúc với Tỉnh trưởng Nakhonphanom (Thái Lan), khi hỏi về việc mở đường vận tải ra đại dương đối với vùng đông - bắc Thái Lan, tác giả bài viết này nhận được câu trả lời: “Sau khi hoàn thành cầu Hữu Nghị 3 nối NakhomPaNom và
TP. Thà Khẹt, đường vận tải hàng hóa từ đông - bắc Thái Lan đến cảng nước sâu Sơn Dương thông qua đường 8 và đường 12 chỉ hơn 300 km. Trước đây, chúng tôi chuyển hàng đến cảng Thái Lan phải trên 1.000 km. Như vậy, cự ly về Cảng Vũng Áng Sơn Dương được rút ngắn 2/3, phí vận chuyển cũng theo đó giảm xuống 2/3”.
Khu kinh tế Vũng Áng chắc chắn sẽ tạo dựng một tiến trình vững chắc với đủ các yếu tố phát triển bền vững, được Chính phủ xếp vào 1 trong 5 nhóm khu kinh tế ven biển và từ năm 2013 sẽ được thụ hưởng không dưới 65% vốn phân bổ.
Với nỗ lực có tính chiến lược khi liên chính phủ Việt - Lào từng bước hoàn tất việc chuyển hành lang giao thông đối với các tuyến đường 8, 12 và đường 13 (Lào) sang hành lang kinh tế xuyên quốc gia theo Hiệp định GMS – CBTA (các tỉnh thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông), trong đó có Hà Tĩnh. Đây là mấu chốt gắn kết khu kinh tế và hệ thống cảng biển nước sâu Vũng Áng Sơn Dương - nơi tiền đồn mở ra đại dương.
Theo Dương Tùng
Báo đầu tư