MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khối ngoại xuất siêu 15 tỷ USD, mục tiêu xuất khẩu vẫn bị "đe dọa"?

Mục tiêu xuất khẩu 165 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014 đang đứng trước nhiều thách thức theo nhận định của Bộ Công Thương.

Xuất khẩu thủy sản là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề khi kim ngạch giảm khá mạnh trong 11 tháng đầu năm 2015.

Theo ông Trương Đình Hòe, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), cho biết xuất khẩu thủy sản đã giảm hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Tập trung chủ yếu vào mặt hàng tôm khi năm nay đạt khoảng 3 tỷ USD trong khi năm ngoái đạt 4 tỷ USD; cá tra giảm khoảng 100 triệu USD.

Khó nhiều ngành hàng chủ lực

“Tôm gặp khó khăn lớn, giá giảm trên mọi thị trường. Từ giữa năm 2014 đến nay, giá giảm 30% khiến doanh thu chung giảm. Do đó, ngành cần củng cố để giữ vững xuất khẩu là tôm. Từ thực tế trên cần có giải pháp quyết liệt hơn để thực hiện tốt hơn trong năm 2016” – ông Hòe nói.

Ngành dệt may có kết quả khả quan hơn khi đơn hàng dồi dào hơn, song cũng gặp không ít khó khăn trong việc cung ứng nguyên phụ liệu, làm giảm sức cạnh tranh sản phẩm. Theo ông Hoàng Vệ Dũng – Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) hầu hết các DN trong ngành đã đủ đơn hàng đến quý I/2016, thị trường đang có nhiều triển vọng tốt.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu các khu công nghiệp tập trung để sản xuất nguyên phụ liệu, tạo nên sản phẩm có giá cạnh tranh, do cần phải có nguyên phụ liệu được sản xuất tại Việt Nam. Ông Dũng cho biết, vướng mắc lớn nhất là chính sách hiện chưa đầy đủ cho phát triển khu công nghiệp phụ trợ dệt may, nên nhà đầu tư Trung Quốc hiện đang đầu tư nhiều khu công nghiệp rẻ tiền, gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, các chính sách mới về bảo hiểm xã hội, tiền lương cũng đang gây áp lực cho DN ngành dệt may. Việc tăng tiền lương tối thiểu và bảo hiểm đã khiến cho DN phải đóng thêm hàng chục tỷ đồng, khiến cho hiệu quả kinh doanh của DN giảm nhiều.

Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ kế hoạch (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 11 ước đạt 14,3 tỷ UDS, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 148,7 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của DN 100% vốn trong nước ước đạt 43,56 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 101,6 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, giá dầu thô giảm mạnh cùng với sự sụt giảm của nhóm hàng nông, lâm sản và khoáng sản đang khiến cho mục tiêu xuất khẩu năm 2015 gặp nhiều thách thức.

Cụ thể, sau 11 tháng xuất khẩu của nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 4,64 tỷ USD, giảm 45,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, nhóm hàng nông lâm, thủy sản ước đạt 18,9 tỷ USD, giảm 7,6% về giá so với cùng kỳ năm 2014. Như vậy giảm tương đương 1,56 tỷ USD.

Bộ Công Thương chỉ đạo vào cuộc giải khó cho DN

Kim ngạch nhập khẩu tháng 11 ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng kim ngạch xuất khẩu ước tính 152,5 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, trong tháng 11 Việt Nam nhập siêu 200 triệu USD, tính chung 11 tháng cả nước nhập siêu khoảng 3,78 tỷ USD, bằng 2,5% kim ngạch.

Với mức nhập siêu của khu vực trong nước là 18,78 tỷ USD; thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 15 tỷ USD. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 165 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2014 như kế hoạch đề ra thì tháng 12 kim ngạch xuất khẩu sẽ phải đạt 16,3 tỷ USD.

Song theo nhận định của các doanh nghiệp và Hiệp hội ngành hàng, đặt trong bối cảnh kinh tế tiêu dùng ở những thị trường lớn phục hồi còn chậm, hàng hóa cạnh tranh gay gắt thì hàng xuất khẩu Việt Nam đạt được mục tiêu trên là vô cùng khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra thì nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là đẩy mạnh các giải pháp cải cách hành chính để giảm chi phí, hỗ trợ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu tăng cường các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, cũng như phối hợp chặt chẽ với lực lượng thanh tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp nhằm quản lý nghiêm các mặt hàng đầu vào phục vụ chăn nuôi.

Còn theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, đối với những khó khăn của DN ngành dệt may và da giày trong việc xây dựng nhà máy tại các khu công nghiệp, thời gian tới sẽ làm rõ những bất cập trong xử lý nước thải khu dệt, nhuộm tại khu công nghiệp để từ đó có chính sách hỗ trợ cho DN.

 

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên