MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không thể lơ là

Lạm phát chung bình quân của cả năm 2015 chỉ ở mức 0,63% và theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2016 không tăng so với tháng liền trước (tháng 12/2015).

Tuy nhiên, vẫn cần chú ý áp lực tăng trở lại trong năm 2016 - nhóm tác giả báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định. 

Cơ sở của cảnh báo này, được đưa ra trong bản báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam 2016 vừa được VEPR công bố, là việc lạm phát chung “có thể đứng trước những biến động mạnh hơn trong năm 2016 và có thể đạt mức 4% - 5%”.

Thứ nhất, giá năng lượng và nhiều loại hàng hóa đã ở mức thấp kỷ lục và có khả năng sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ. Thứ hai, hiện tượng thời tiết El Nino đang tác động bất lợi đến nguồn cung gạo, có thể khiến giá cao hơn trong năm 2016.

Trong khi đó, mặc dù quyền số của nhóm hàng lương thực sẽ được điều chỉnh giảm giai đoạn 2016 - 2020, nhưng vẫn giữ một tỷ trọng cao trong CPI. Thứ ba, khả năng tăng giá các nhóm hàng do nhà nước quản lý bao gồm điện, dịch vụ y tế và giáo dục trong năm 2016 là khá lớn. Thứ tư, tốc độ tăng cung tiền vượt xa GDP danh nghĩa đang tích lũy những rủi ro gây bất ổn về giá...

Trả lời báo giới về vấn đề này, TS Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, tăng trưởng GDP cao trong khi lạm phát thấp là điều kiện phát triển lý tưởng của một quốc gia. Không phải cứ lạm phát thấp thì tăng trưởng giảm, không kích thích doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; bởi lạm phát thấp ở một mức độ nhất định cũng giúp người dân tin tưởng vào sự ổn định của nền kinh tế, dành nhiều thu nhập hơn cho chi tiêu, từ đó kích thích tổng cầu.

Tăng trưởng nhờ cầu tăng sẽ bền vững hơn tăng trưởng dựa vào giá tăng. Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng chưa thể khẳng định lạm phát sẽ thấp trong năm 2016, mà vẫn cần thận trọng trong điều hành, do các yếu tố quan trọng khác có thể làm lạm phát tăng nhanh trở lại như lãi suất, tỷ giá, nợ công...

Dường như đây cũng chính là quan điểm điều hành của Chính phủ. Trong 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn đặt ra cho năm 2016, việc tiếp tục đảm bảo và tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát vẫn được coi là nhiệm vụ hàng đầu.

Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương vào cuối tháng 12-2015, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, phải thực hiện thường xuyên và liên tục, không được chủ quan, lơ là và thỏa mãn trước những kết quả đã đạt được.

Theo ý kiến của các chuyên gia trên nhiều diễn đàn về kinh tế được tổ chức gần đây, nền kinh tế hiện đang có những nét tương đồng với thời điểm 2009, khi đó lạm phát cũng thấp và nền kinh tế đã có những dấu hiệu hồi phục sau suy thoái.

Nhưng lạm phát thấp đã nhanh chóng đổi chiều khi cung tiền không được kiểm soát chặt chẽ. Mặt bằng giá chỉ tăng nhẹ trong năm 2015, tiếp tục đà tăng thấp trong những năm gần đây. Tuy nhiên, áp lực lạm phát sẽ lớn lên trong năm 2016 khi sự hỗ trợ từ các yếu tố bên ngoài mất đi, cộng với chính sách tiền tệ nới lỏng quá nhanh (nếu thực hiện đúng theo lộ trình điều chỉnh được đề xuất).

Nhóm tác giả VEPR nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% cho năm 2016 là “quá cao”, trong bối cảnh lạm phát nhiều khả năng sẽ quay trở lại. Theo các chuyên gia này, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2016 nên ở mức 12% - 15%, đồng thời cần thực hiện các biện pháp mang tính thị trường để định hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất...

Theo Anh Thư

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Trở lên trên