MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không thể tính được chi phí tái cơ cấu kinh tế!

Nhiều ĐB có nhu cầu muốn Chính phủ lượng hóa được chi phí cho đề án tái cơ cấu, song ĐB từ các Bộ chủ quản chỉ có thể đưa ra phương án huy động nguồn lực, không “chốt” được con số cuối cùng nào.

Trao đổi tại Hội trường trong phiên làm việc cả ngày 8/6 về nội dung tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, các đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn Chính phủ về kinh phí thực hiện, vốn đã được đề cập khá nhiều trước đó.

Các đại biểu yêu cầu, Chính phủ cần phải trình ra Quốc hội gói kinh phí cần bao nhiêu và được phân bổ trong bao nhiêu năm. Mỗi năm sẽ ảnh hưởng đến ngân sách chung, ngân sách các bộ, ngành như thế nào, ngân sách các địa phương ra sao…

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa  (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nguồn Ngân sách này ít nhất phải thực hiện qua 3 khoản. Khoản thứ nhất là chính sách ưu đãi, miễn, giảm, khuyến khích đầu tư để kích thích chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Thứ hai là những khoản kinh phí Nhà nước có thể bỏ ra để hỗ trợ cho xã hội tham gia vào quá trình tái cơ cấu bao gồm quá trình mua bán nợ lẫn nhau, mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp. 

Đại biểu Hòa cũng băn khoăn, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu sẽ dẫn tới tình trạng thu hẹp của một số bộ phận, một số ngành và mở rộng một số ngành khác, như vậy, các vấn đề về an sinh xã hội về công ăn, việc làm sẽ được hỗ trợ để tái đào tạo, hỗ trợ để đào tạo công ăn việc làm mới, v.v. như thế nào. 

Ngoài ra, theo ông, trong tổng kinh phí bỏ ra phải tính đến tổng kinh phí của xã hội bỏ ra vì quá trình tái cơ cấu là quá trình đồng bộ, Nhà nước làm và xã hội làm. Trong đó, đặc biệt phải xem xét bảo vệ lợi ích của xã hội để tránh những thiệt hại đã xảy ra và phải lường được cái giá có thể phải trả trong quá trình này.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) lại dẫn ra ví dụ rất cụ thể ở những khu cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy khá cao như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, nếu buộc phải tái cơ cấu thì phí tổn không hề nhỏ, các doanh nghiệp tư nhân sẽ làm như thế nào và nguồn kinh phí ở đâu? Lúc đó việc tái phân bổ các nguồn lực ở cấp vĩ mô, chi đầu tư công ở địa phương sẽ dựa trên tiêu chí nào?

Theo ông Nhân, nếu ghi chung là phải nhắm đến mục tiêu hiệu quả góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng thì thực ra rất khó để căn cứ thực hiện.

Còn theo ý kiến của đại biểu Tôn thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông), nếu các giải pháp ở đề án không có định lượng được thì sẽ chỉ như một chương trình hành động mà thôi.

Tiếp nối mạch phân tích của những đại biểu trước đó, đại biểu tỉnh Ninh Bình, ông Bùi Văn Phương đề nghị, Chính phủ phải trình ra Quốc hội được những những con số cụ thể. 

Theo ông Phương, đã tái cơ cấu dứt khoát phải có chi phí. Bởi, chỉ đơn giản là thay đổi công nghệ tại một doanh nghiệp, không thể nói là bán nhà máy cũ đi để thêm tiền mua nhà máy mới mà bắt buộc phải có kinh phí cung cấp cho tiến trình thay đổi đó.

Khó tính con số chính xác

Đáp lại mối băn khoăn của các đại biểu Quốc hội về nguồn lực tái cơ cấu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ tái nhấn mạnh, “đã tái cấu trúc thì phải có nguồn lực, mà nguồn lực chắc chắn phải rất lớn”.

Riêng ở đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Huệ cho biết, Bộ Tài chính đã dự trù từ 4 nguồn bao gồm quỹ hộ trợ sắp xếp và phát triển DNNN, sử dụng công cụ mua bán nợ, sử dụng nguồn lực từ cổ đông chiến lược nước ngoài tại doanh nghiệp và cả sử dụng đến nguồn viện trợ ODA.

Riêng về phương án thứ tư, Bộ trưởng Huệ cho biết, hiện ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đã cam kết cho Việt Nam vay 600 triệu USD để tái cơ cấu một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Đơn vị được thực hiện thí điểm đầu tiên là tập đoàn Sông Đà với 120 triệu USD với lãi suất vay 0,5% trong thời hạn 30 năm.

Còn tại lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay, sẽ huy động nguồn lực tổng thể, trong đó có thành lập công ty mua bán nợ, huy động góp vốn từ khu vực tư nhân, khuyến khích hợp nhất, sáp nhập, thậm chí Ngân hàng Nhà nước cũng vào cuộc mua cổ phần tại những ngân hàng yếu kém. 

Riêng về sự tham gia của yếu tố nước ngoài, người đứng đầu NHNN cho hay, sẽ tính đến khi các nhà đầu tư trong nước không còn có thể tham gia.

Trước đó, qua các phiên họp tại Thường vụ, các thành viên cũng đã bàn nhiều về nội dung này. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, “để tính toán cụ thể chi phí cho đề án hết bao tiền thì hơi khó” mà chỉ có thể phác thảo con số ước chừng theo phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Tuy nhiên, với cách tính này thì có thể đặt bút tính ra được nhưng không thật chính xác và không mang nhiều ý nghĩa. Ông thừa nhận rằng, quá trình này gắn với sự chuyển dịch của nền kinh tế nên yêu cầu tính toán cụ thể ra là rất khó và không thể tính được chính xác. 

Theo tính toán của của một số chuyên gia kinh tế, riêng chi phí cho tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng đã rơi vào khoảng 5% GDP, tương ứng 5-6 tỷ USD (với con số GDP của Việt Nam hiện vào khoảng 120 tỷ USD).

Theo Bích Diệp
Dân trí

cucpth

Trở lên trên