MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểm toán Nhà nước: Hàng loạt bất cập tại các chương trình mục tiêu quốc gia 2011

Tình trạng triển khai hành động một cách hời hợt, dàn trải; vi phạm trong sử dụng nguồn vốn sai mục đích, chậm triển khai vẫn diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước.

Thực hiện hời hợt

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước tại 28 địa phương trong năm 2012 cho thấy về cơ bản việc đầu tư đã mang lại những hiệu quả tích cực về kinh tế, bước đầu góp phần thay đổi chất lượng cuộc sống nông thôn. Tuy nhiên, nhiều bất cập làm giảm hiệu quả đầu tư đã bộc lộ.

Điểm đầu tiên mà Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, đó là quá nhiều chương trình trùng mục tiêu quốc gia cùng thực hiện trên một địa bàn. Có những tỉnh trong cùng một thời gian nhận được sự đầu tư của hàng loạt chương trình lớn: Chương trình 30a;chính sách 167; chương trình nông thôn mới;chương trình 5 triệu ha rừng;chương trình 135; chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; chương trình hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo quyết định 102/QĐ-TTg; chương trình dạy nghề lao động nông thôn; chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình hỗ trợ của Viettel…

Tình trạng chung tại nhiều địa phương là cơ chế lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều bất cập, dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán, khó quản lý điều hành tập trung thống nhất; không đảm bảo nguyên tắc công khai dân chủ, không chú trọng tuyên truyền để người dân nắm bắt được thông tin và giám sát việc thực hiện; hệ thống văn bản, chính sách thiếu đồng bộ, nội dung tiêu chí lạc hậu chưa bám sát thực tế.

Ví dụ tiêu biểu nhất là chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn năm 2011.

Kiểm tra sâu việc thực hiện chương trình này tại một loạt tỉnh như Kiên Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiểm toán Nhà nước  đều phát hiện một căn bệnh chung trong công tác quản lý điều hành, đó là sự phối hợp lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương và các sở ngành chức năng. Có tỉnh thậm chí chương trình đã đi vào hoạt động nhưng còn chưa xây dựng quy chế hoạt động của ban chỉ đạo!

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy việc thực hiện chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại các tỉnh nhìn chung là buông lỏng và hời hợt, cả trong công tác tuyên truyền thông tin đến người dân lẫn cả trong công tác kiểm tra giám sát. Do vậy mà mục tiêu tỷ lệ số dân nông thông được sử dụng nước sạch và chỉ tiêu vệ sinh môi trường tại một số tỉnh được kiểm toán đạt rất thấp, một số chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt không thực hiện được do các công trình chậm triển khai.

Bất cập trong bố trí, triển khai nguồn vốn

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra một số chương trình còn tình trạng lộn xộn trong quá trình sử dụng vốn được phân bổ.

Đầu tiên phải kể đến là bố trí vốn không đúng nội dung, sai nguồn vốn (Ví dụ tỉnh Hà Giang sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục để chi trả cho học sinh theo Quyết định 112/2007/ QĐ-TTG số tiền 2,2 tỷ đồng không đúng quy định).

Kết quả kiểm toán tại một số Bộ ngành và tỉnh như Lạng Sơn, Hải Dương, Quảng Nam, Lâm Đồng không phân bổ hết nguồn vốn trong năm, bố trí nguồn vốn hoặc triển khai chậm dẫn đến không sử dụng hết nguồn kinh phí nên phải chuyển nguồn năm sau. 

Ví dụ một số chương trình mục tiêu quốc gia tại các tỉnh Hải Dương, Quảng Nam, Lạng Sơn, Lâm Đồng chưa phân bổ 22 tỷ đồng kinh phí chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, chương trình MTQG Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Bộ Y Tế chi không hoàn thành phải hủy dự toán 9,4 tỷ đồng, chuyển nguồn năm sau hơn 244 tỷ đồng; tỉnh  Điện Biên chuyển nguồn gần 233 tỷ đồng, tỉnh Vĩnh Phúc phân bổ kinh phí muộn kinh phí Chương trình nâng cấp đê dẫn đến không sử dụng hết, phải chuyển nguồn 1,7 tỷ đồng.)

Tình trạng thực hiện, giải ngân thấp so với số vốn được giao cũng diễn ra tại một số địa phương như Hải Dương, Trà Vinh, Bến Tre, Quảng Nam, Bình Thuận. Trong đó “nặng” nhất là tỉnh Bình Thuận, chương trình MTQG về việc làm chỉ đạt gần 40% dự toán, chương trình giảm nghèo chỉ đạt chưa gần 20% dự toán, chương trình định canh định cư chỉ đạt chưa 1,8% dự toán. Tiếp theo là tỉnh Bến Tre, chương trình MTQG Nông thôn mới chỉ đạt khoảng 22%, chương trình 5 triệu ha rừng chỉ đạt 2% dự toán 2010 chuyển sang. 

Ngoài ra kết quả kiểm toán cũng cho thấy việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn vốn tài trợ, ủng hộ chưa đảm bảo chặt chẽ và hiệu quả, còn tình trạng chi sai đối tượng, mục tiêu, chi hỗ trợ không đúng định mức còn tái diễn tại nhiều nơi. Trong đó, Hà Giang vi phạm nặng nhất với việc chi sai kinh phí thực hiện Chương trình hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo theo Quyết định 102/QĐ-TTg, chi sai kinh phí chi trả chế độ cho học sinh theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP.)

Hồng Anh

uyenlt

Lược trích từ Báo cáo kiểm toán trình Quốc hội khoá XIII kỳ họp thứ 5

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên