MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiểm tra ôtô, điện thoại di động nhập khẩu qua đường hàng không

Các điểm trung chuyển hàng hóa như đường mòn, đường biển, đường thủy cũng nằm trong điện kiểm soát đặc biệt lượng ôtô, điện thoại, mỹ phẩm, rượu ngoại nhập khẩu.

Cho rằng có hiện tượng doanh nghiệp "né" quy định tuồn hàng về VN, cơ quan chức năng đang yêu cầu tất cả các đơn vị liên quan phối hợp để kiểm tra việc nhập khẩu đối với điện thoại di động, ôtô, mỹ phẩm và rượu ngoại.

Trong công văn 34 gửi các bộ ngành hôm 1/7, Ban chỉ đạo 127 Trung ương (Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại) yêu cầu các đơn vị chức năng việc nhập khẩu 4 mặt hàng trên tại các vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, hải cảng và từ khu kinh tế cửa khẩu vào nội địa.

Chi phí nhập khẩu một chiếc xe về Việt Nam qua đường hàng không vào khoảng 4.000-10.000 USD, tùy loại.

Các điểm trung chuyển hàng hóa như đường mòn, đường biển, đường thủy và đường hàng không cũng nằm trong điện kiểm soát đặc biệt lượng ôtô, điện thoại, mỹ phẩm, rượu ngoại nhập khẩu.

Ngoài ra, các đơn vị quản lý thị trường tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ 4 nhóm mặt hàng trên. Đồng thời truy rõ nguồn gốc xuất xứ đối với các sản phẩm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam.

Cơ quan công an được quyền áp dụng các biện pháp mạnh, kể cả việc truy tố hình sự đối với các trường hợp vi phạm.

Yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương 127 đưa ra chỉ sau khoảng 2 tuần, Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất có văn bản kiến nghị các đơn vị chức năng áp dụng các giải pháp "khẩn" đối với các mặt hàng điện thoại di động qua đường hàng không.

Cơ quan này cho rằng quy định về cảng biển nhập khẩu tại thông báo số 197 của Bộ Công Thương vẫn có kẽ hở để doanh nghiệp nhập khẩu điện thoại về đường hàng không thay vì đường biển. Để lách quy định, nhà nhập khẩu đã tháo dời các thiết bị điện thoại, chia nhỏ lô hàng sau đó chuyển về lắp ráp sản phẩm nguyên chiếc trong nước.

Do vậy, hải quan đề nghị được áp dụng biện pháp kiểm tra đối với từng phụ tùng linh kiện như mặt trước, mặt sau, thân máy, pin, cục sạc, tai nghe, hộp đựng...

Theo quy định của Bộ Công Thương, từ 1/6, 3 mặt hàng gồm điện thoại di động, mỹ phẩm, rượu ngoại chỉ được phép nhập về Việt Nam qua 3 cảng biển chính gồm Hải Phòng, TP HCM và Đà Nẵng. Các hoạt động nhập khẩu qua đường bộ, đường không đều bị coi là vi phạm.

Riêng mặt hàng ôtô quy định về cảng nhập khẩu áp dụng từ cách đây vài năm. Theo đó, các loại xe ngoại chỉ được phép về Việt Nam qua 5 cảng biển lớn gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, TP HCM, Đà Nẵng và Vũng Tàu.

Ngoài quy định về cảng biển, cả 4 nhóm hàng trên khi nhập khẩu về Việt Nam đều phải xuất trình được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, giấy ủy quyền của đơn vị sản xuất và có xác nhận của cơ quan ngoại giao tại nước ngoài...

Với doanh nghiệp, các quy định này bị coi là khó có thể đáp ứng. Ít nhất 50 doanh nghiệp nhập khẩu ôtô đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị được nới lỏng quy định trên.

Trước đó, hồi năm 2009, Tổng cục Hải quan từng áp dụng biện pháp mạnh đối với mặt hàng ôtô nhập khẩu khi ra lệnh kiểm tra lượng hàng về qua đường bay.

Cơ quan này cho rằng sự thuận lợi trong khâu vận chuyển và chi phí khá mềm nên từ vài tháng trước đã xuất hiện các nguồn tin cho rằng xe cũ đang "trà trộn" vào xe mới về VN bằng máy bay, thay vì đường biển.

Theo tính toán của các nhà nhập khẩu, chi phí vận chuyển một chiếc xe bằng đường hàng không khoảng 4.000-10.000 USD, chỉ đắt hơn mức phí vận tải bằng đường biển khoảng 200 USD đến vài nghìn USD. Bên cạnh đó, một chiếc xe từ khi xuống tàu và cập cảng VN phải mất cả tháng trời, trong khi bay bằng đường hàng không chỉ độ 3 ngày. Chưa kể, thời gian lênh đênh trên biển, nhiều rủi ro có thể xảy ra đối với các lô xe nhập khẩu như gặp bão, sự cố hỏng tàu...

Theo Hồng Anh

VnExpress

duclm

Trở lên trên