MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế 6 tháng nhìn từ cân đối lớn

Đặt nền kinh tế năm 2014 trong bối cảnh của những tác động ảnh hưởng trên đây thì 6 tháng cuối năm 2014 khó đạt được mức tăng trưởng 6,25% và cả năm khó đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% do Quốc hội đề ra.

Nhìn lại kinh tế sau 6 tháng đầu năm 2014, phóng viên TBNH đã có buổi phỏng vấn ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê).

Thưa ông, so với cùng kỳ năm ngoái, GDP quý I và II năm nay tăng khá cao, mà cụ thể là GDP 6 tháng tăng gần 5,2% so với cùng kỳ. Vậy, các nhân tố cơ bản của GDP: tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu có sự khởi sắc gì?

Có thể nói trong 6 tháng đầu năm 2014, các yếu tố tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu tuy chưa đạt mức tăng trưởng cao, nhưng mức tăng của quý sau đã cao hơn quý trước. Cụ thể: Về tiêu dùng cuối cùng, 6 tháng đầu năm 2014 tăng 5,19% so cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2012 và 2013.

Về đầu tư, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,2%, trong đó tăng khá từ vốn tín dụng theo kế hoạch Nhà nước (33,3%), vốn vay từ các nguồn khác của khu vực Nhà nước (45,3%), vốn đầu tư của DNNN từ vốn tự có (22,6%).


Ông Hà Quang Tuyến
Đáng chú ý là tỷ lệ vốn đầu tư/GDP của thời kỳ này tuy vẫn chiếm 30,1% như 2 năm gần đây, nhưng đã giảm khoảng 10 điểm phần trăm so với năm 2011 trở về trước. Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 14,9%. Xuất siêu hàng hóa 1,32 tỷ USD, trong đó khu vực FDI là 8,53 tỷ USD.

Tuy nhiên, tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu là các yếu tố của cầu cuối cùng, trong bối cảnh nền kinh tế của nước ta không chỉ cầu yếu mà cung còn yếu hơn, nên các yếu tố của cầu không thực sự lan tỏa đến sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Khi can thiệp vào các yếu tố này chỉ làm tăng thâm hụt thương mại và giá cả. Đây là vấn đề cần được cân nhắc khi xây dựng các cơ chế chính sách về tăng tổng cầu.

Liên quan đến đầu tư, theo báo cáo nợ công mà Bộ Tài chính công bố, tỷ lệ nợ so với GDP tăng thêm khoảng 3-4% trong mấy năm gần đây. Nhìn ở góc độ cân đối giữa khả năng tiết kiệm và nhu cầu đầu tư, có vấn đề không, thưa ông?

Năm 2013, tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư so với GDP gần tương đương nhau, khoảng 30%. Tuy nhiên, tính toán chỉ tiêu tiết kiệm (thu nhập quốc gia khả dụng NDI - Tiêu dùng cuối cùng) thì bao gồm cả lượng kiều hối khoảng 11 tỷ USD. Nếu không có lượng kiều hối này thì tỷ lệ tiết kiệm/GDP (tiết kiệm nội địa) chỉ xấp xỉ 20%.

Vì vậy, chúng ta đã phải đi vay nguồn lực bên ngoài để bù vào thiếu hụt so với nhu cầu trong nước về đầu tư, trả nợ gốc và trả lãi. Như năm nay, theo kế hoạch vay và trả nợ mà Chính phủ đã phê duyệt, chúng ta dành đến 70 nghìn tỷ đồng trong số 367 nghìn tỷ đồng vay mới, tức gần 20%, để “đảo nợ”.

Như vậy, nguồn thu của ngân sách dường như không bền vững trong giai đoạn hiện nay. Tổng cục Thống kê có ý kiến gì về vấn đề này?

Thu ngân sách Nhà nước so với GDP bình quân năm thời kỳ 2006-2010 là 25,5%, giảm xuống còn 23,5% ở thời kỳ 2011-2013, trong 6 tháng đầu năm 2014 là 22,6%. Tuy nhiên, xét về quy mô và cơ cấu thu thì thu ngân sách Nhà nước theo hướng tích cực.

Thời kỳ trước đây, ngân sách Nhà nước chủ yếu dựa vào nguồn thu ngoài nước như dầu thô, xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, khai thác dầu thô có xu hướng giảm trong những năm gần đây, do vậy thu từ dầu thô sẽ không tăng nếu giá dầu thô trên thế giới không tăng.

Đáng mừng là những năm gần đây, nguồn thu trong nước tăng cả quy mô và cơ cấu. Thu từ trong nước chiếm tỷ lệ tăng dần: bình quân năm thời kỳ 2006-2010 chiếm 58,3% tổng thu, tăng lên 65,1% thời kỳ 2011-2013, riêng năm 2013 chiếm 67% tổng thu, 6 tháng đầu năm 2014 chiếm 68% tổng thu. Điều đó chứng tỏ sản xuất kinh doanh trong nước đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp vào ổn định nguồn thu ngân sách.

Tuy nhiên, thời gian qua, do tăng trưởng kinh tế đạt thấp cùng với việc Chính phủ thông qua sử dụng công cụ ưu đãi thuế nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các DN vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất nên thu ngân sách đạt thấp và không đáp ứng đủ nhu cầu chi.

Nếu phải tiết giảm đầu tư để đảm bảo ổn định nợ công, vấn đề gì sẽ xảy ra? Khuyến nghị chính sách từ Tổng cục Thống kê?

Đầu tư vẫn đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, ví dụ như thời kỳ 2011-2013 đóng góp tới 56%. Vì vậy, nếu phải tiết giảm đầu tư công cần phải khuyến khích, động viên huy động tăng đầu tư của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước để đảm bảo được tỷ lệ đầu tư so GDP khoảng 30%.

Về tăng trưởng kinh tế cần chú trọng đến chính sách kích thích tăng tổng cung, nhưng phải trên cơ sở tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) chứ không phải từ tăng đầu tư. Muốn vậy, trong điều hành nền kinh tế cần thực sự làm tốt các giải pháp để phát triển sản xuất kinh doanh.

Một trong những vấn đề quan trọng là cải cách thể chế kinh tế; cấu trúc lại nền kinh tế, từ cấu trúc của sản xuất về ngành, vùng, sản phẩm đến cấu trúc về sở hữu; sớm ban hành Luật DN sửa đổi; kiểm soát và nâng cao hiệu quả đầu tư, có các chính sách giảm lãi suất, giảm các thủ tục hành chính rườm rà…

Liệu với những tồn tại và khó khăn khách quan mới phát sinh, tăng trưởng kinh tế năm 2014 có đạt mục tiêu 5,8% theo Nghị quyết của Quốc hội hay không, thưa ông?

Để đạt mục tiêu kế hoạch về tăng trưởng kinh tế cả năm 2014 là 5,8% thì 6 tháng cuối năm phải tăng 6,25%. Nhìn lại lịch sử, từ năm 2011 trở về trước, tăng trưởng kinh tế của 6 tháng cuối năm đã từng đạt được mức cao hơn 6,25%. Nhưng năm 2012 mức tăng còn 5,49% và năm 2013 chỉ đạt 5,82%.

Đối với năm 2014, quý I và tháng 4 tình hình sản xuất kinh doanh đạt khá, tăng trưởng kinh tế theo hướng phục hồi. Tuy nhiên, sự kiện căng thẳng tại Biển Đông có tác động đến tăng trưởng của ngành du lịch: tháng 6/2014, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 20% so với tháng trước, trong đó khách từ Trung Quốc Đại lục giảm 30%; tiếp theo đó là ảnh hưởng đến các ngành vận tải, khách sạn nhà hàng, thương mại bán lẻ làm cho mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm 2013.

Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu là nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho dây chuyền sản xuất may mặc như vải, sợi và máy móc. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng FDI. Các ngành chế biến chế tạo, xây dựng có bị tác động ảnh hưởng đến tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2014. Khai thác dầu khí, ngoài những khó khăn về suy giảm sản lượng, chất lượng thiết bị kỹ thuật và công trình biển xuống cấp… những tranh chấp về khai thác dầu khí của Trung Quốc với Việt Nam đã ảnh hưởng đến sản lượng khai thác.

Đặt nền kinh tế Việt Nam năm 2014 trong bối cảnh của những tác động ảnh hưởng trên đây thì 6 tháng cuối năm 2014 khó đạt được mức tăng trưởng 6,25% và cả năm khó đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8% do Quốc hội đề ra. Tuy vậy, chúng ta có thể kỳ vọng, khi tổng cầu ngưng trệ hoặc FDI giảm, thậm chí xuất nhập khẩu cũng giảm, nếu Việt Nam có giải pháp đột phá trong điều hành và chính sách để tạo thêm nguồn lực thay thế kịp thời lượng thiếu hụt này thì tăng trưởng kinh tế vẫn có thể đạt mục tiêu đề ra.

Xin cảm ơn ông!

Theo Anh Quân

thanhhuong

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên