MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế đất Cảng "cất cánh"

Giao thông đồng bộ, thuận lợi, môi trường đầu tư thông thoáng là “cú hích” mời gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hải Phòng tiếp tục tăng và tạo đà cho năm mới 2016 kinh tế Hải Phòng “cất cánh”.

Trong năm 2015, Hải Phòng quyết liệt thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm: Cải cách thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại có giá trị gia tăng cao, trong đó coi phát triển dịch vụ cảng biển, dịch vụ hàng hải, dịch vụ logistics là thế mạnh, lợi thế của Hải Phòng; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới.

Nhờ đó, năm 2015, kinh tế Thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng khá, GDP tăng 10,17% so với năm 2015, cao nhất trong 4 năm trở lại đây và gấp 1,56 lần bình quân chung cả nước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 16,52%, vượt kế hoạch đề ra; sản lượng hàng hóa thông qua các cảng đạt khoảng 69 triệu tấn, đạt 106,15% kế hoạch.

Tổng lượt khách du lịch đến Hải Phòng đạt trên 5,59 triệu lượt, tăng 5,57% so với năm 2014; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 56.288 tỉ đồng; trong đó, thu ngân sách địa phương đạt gần 17.240 tỉ đồng, tăng 22,4% so với năm 2014.

Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đi vào hoạt động, cùng nhiều dự án trọng điểm khác đã và đang gấp rút triển khai, hoàn thiện như Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng ở Lạch Huyện, cầu và đường vượt biển Tân Vũ-Lạch Huyện, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi… đã tạo một “bệ phóng” cho kinh tế Hải Phòng trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

Đáng chú ý, Hải Phòng đã thu hút được nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại của các tập đoàn, công ty lớn, uy tín trên thế giới như Bridgestone, Fuji Xerox, Haengsung Electronics Việt Nam…

Những dự án này góp phần tạo sự chuyển dịch mạnh trong cơ cấu công nghiệp từ các ngành truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như sản xuất giày dép, xi măng, sắt thép, đóng tàu… sang các ngành mới, tiết kiệm năng lượng, ít gây ô nhiễm môi trường và có giá trị gia tăng cao.

Cùng với đó, nhiều dự án quan trọng đang gấp rút triển khai của các nhà đầu tư lớn trong nước như Him Lam, Xuân Trường, Vingroup... đã mở ra cơ hội lớn để Hải Phòng thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Liên tiếp từ đầu tháng 12/2015 đến nay, đã có rất nhiều dự án FDI dồn dập đổ vào các KCN và KKT Đình Vũ-Cát Hải, Hải Phòng với tổng vốn đầu tư nhiều trăm triệu USD.

Nổi bật nhất là việc Tập đoàn Rent-A-Port của Bỉ vừa tổ chức lễ động thổ KCN Nam Đình Vũ II (Deep C II) với tổng vốn đầu tư của dự án là trên 250 triệu USD.

Hay dự án sản xuất các sản phẩm may mặc với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD của nhà đầu tư Herberton Private Limited (Singapore) vào Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng. Mục tiêu của dự án là sản xuất trang phục để xuất khẩu với quy mô 22 triệu sản phẩm các loại/năm.

Tiếp đến là 2 dự án nhà máy sản xuất linh phụ kiện cho điện thoại di động và linh phụ kiện cho ô tô với tổng vốn đầu tư 64 triệu USD của 2 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc là Woosung Molding & Plastics Co., Ltd và Hallacast Co., Ltd.

Cũng những ngày đầu năm này, nhà đầu tư Chilisin Holding Limited (Hong Kong) vừa tổ chức lễ khởi công Dự án “Trung tâm sản xuất điện tử Chilisin tại Việt Nam” giai đoạn I tại VSIP Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 22,6 triệu USD nhằm sản xuất cuộn cảm khuôn và cuộn cảm dây cuốn chuyển tiếp, với quy mô 1,38 triệu sản phẩm các loại/năm.

Kết quả trong thu hút nguồn vốn FDI cho thấy, Hải Phòng trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới và các nhà đầu tư nước ngoài.

KKT Đình Vũ-Cát Hải đã có chính sách ưu đãi và một loạt các KCN khác đang sẵn sàng về mọi mặt. Đây cũng sẽ là kỳ vọng cho Hải Phòng để thu hút nguồn vốn FDI với chất lượng và hiệu quả cao hơn, góp phần thúc đẩy Thành phố phát triển đột phá trong những năm tới.

Theo Công Trí

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên